Chuyện cảm động về bác bảo vệ nhặt ve chai để mua gạo cho người nghèo ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 21/05/2015

Suốt 5 năm qua, hình ảnh bác Vũ (bảo vệ dân phố ở khu phố 8, phường 5, quận Gò Vấp) vẫn cần mẫn mỗi buổi sáng đi nhặt ve chai lấy tiền mua gạo tặng những người có hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn khiến nhiều người xúc động.

Chúng tôi tìm đến khu phố 8 (phường 5, quận Gò Vấp, TP. HCM) vào một buổi chiều, từ đằng xa, chúng tôi đã thấy hình ảnh bác dân phòng Nguyễn Hoàng Vũ đang cầm gậy có gắn nam châm đi nhặt ve chai khắp phố.

"Tôi mới đi tuần tra quanh khu phố về tranh thủ lượm nhặt ve chai để góp lại một chỗ, khi góp nhiều rồi thì tôi bán lấy tiền mua gạo tặng bà con. Chủ yếu nhặt ve chai vào buổi sáng sớm, còn buổi chiều thỉnh thoảng mới đi thôi vì vào thời gian này không có nhiều ve chai, sắt vụn", bác Vũ cười tươi, hí hửng "giới thiệu" công việc của mình.

Bác Vũ đang thu gom ve chai bỏ vào bao để tích góp bán lấy tiền mua gạo cho người nghèo.

Mặc dù đã 57 tuổi, sức khỏe cũng không còn được như trước, nhưng suốt 5 năm qua, bác Vũ vẫn miệt mài nhặt ve chai mà không nghỉ ngày nào vì sợ người nghèo thiếu gạo. Tâm tình hết lòng vì người dân của bác bảo vệ dân phố khiến mọi người sống ở đây hết sức cảm động. Một người dân ở khu phố này chia sẻ: "Nhắc đến bác Vũ, ở đây ai cũng biết cả, bởi sự chân tình và hết lòng vì mọi người. Ngoài việc bảo vệ bình yên cho khu phố, bác Vũ còn có một nghĩa cử cao đẹp khiến ai cũng xúc động khi hàng ngày đi nhặt ve chai, lấy tiền mua gạo cho người dân nghèo chúng tôi".

Bác Vũ làm việc tại đây từ tờ mờ sáng. Những lúc trời đổ mưa, sợ rác trôi xuống cống gây nghẹt, bác vừa nhặt rác, vừa thu nhặt những gì có thể bán ve chai được tiền. Bác cũng tích cực đến những điểm tập kết rác để tìm ve chai đem đi bán.

Bác Vũ cho biết, công việc tại chốt dân phòng của khu phố bắt đầu từ 7h, vì thế cứ đúng 5h bác dậy sớm pha ấm nước, nhâm nhi vài ngụm trà rồi vác "đồ nghề" gồm bao đựng và gậy gắn nam châm đi dọc theo những con đường có nhiều quán ăn để nhặt ve chai. Mỗi ngày dành chút thời gian đi nhặt, cứ như thế "góp gió thành bão", đến khoảng 3 - 4 tháng, nhận thấy số lượng ve chai đã gom được nhiều, bác đem ra đại lý thu mua và dùng tất cả số tiền bán được mua gạo cho những hoàn cảnh khó khăn trong khu phố mình.

Người bảo vệ dân phố có nghĩa cử cao đẹp mong sao sẽ có sức khỏe để giúp đỡ người nghèo đến cuối đời.

Bác Vũ tâm sự: "Mỗi ngày tôi cứ góp nhặt một ít, đến một ngày ước lượng số ve chai này được khoảng trên 2 triệu thì tôi mới đem bán. Số tiền bán được tôi báo cáo với tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố để cùng họp bàn chọn những hoàn cảnh khó khăn nào cần được giúp đỡ trong dịp sắp tới. Công việc giúp đỡ người nghèo như thế này làm tôi vui lắm, cảm nhận cuộc sống này ý nghĩa hơn. Nhặt ve chai không nặng nhọc gì đâu, một số cụ già còn làm được tại sao mình không làm được. Nếu không giàu có để giúp trực tiếp thì mình lấy công sức để làm những công việc kiếm được tiền hỗ trợ những số phận éo le hơn vượt qua khó khăn".

Mỗi ngày bác Vũ đều mang gậy gắn nam châm đi hút nắp chai.

Bác Vũ còn cho hay, từ năm 2010 bác Vũ rời vùng Chi Lăng (Tịnh Biên, An Giang) lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề "thợ đụng", ai bảo gì làm nấy, đụng đâu làm được có tiền là bác làm tất. Một thời gian sau, bác chạy xe ôm tại đường Dương Quảng Hàm (KP.9, phường 5, Gò Vấp) và cũng là thời điểm đầu tiên bác đi nhặt ve chai giúp đỡ người nghèo.

Đến 2013, trong một lần đi lượm ve chai ngoài đường, tình cờ bác tổ trưởng bảo vệ dân phố (KP.8) nhìn thấy được nghĩa cử cao đẹp này nên đã đề xuất cho bác Vũ về làm bảo vệ dân phố tại đây. "Tình thương với đồng bào, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống này", bác Vũ nói.

Sau ca trực tại tổ dân phố, bác Vũ lại tiếp tục công việc giúp đỡ người nghèo.

Quan niệm của bác "có gạo là không sợ đói nghèo". Mới đây, trong dịp lễ 30/4 giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, số tiền bán ve chai được 4 triệu đồng. Bác khoe: "Dịp này nhặt được nhiều ve chai hơn, nên số tiền bán được cũng nhiều hơn những lần trước. Tôi trích ít tiền trong số này mua tặng xe đạp và thực phẩm cho một cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để chắp cánh cho các cháu đến trường. Sau đó tôi lấy tiền túi bỏ thêm vài trăm nghìn đồng để cùng số tiền ve chai còn lại mua 30 phần gạo, mỗi phần 10kg tặng cho bà con ở KP.8. Nhìn bà con vui mừng, tôi cũng thấy rưng rưng nước mắt hạnh phúc, không thể nào tả được...".