"Đừng chỉ lên án cô gái trẻ không nhường chỗ cho bé trai 2 tuổi"

Nguyễn Mai Ly, Theo Trí Thức Trẻ 16:13 05/03/2015

Bạn có thắc mắc tại sao những người còn lại trên chuyến xe đó sao không ai lên tiếng không, hay họ đã cho đó là chuyện bình thường? Nếu đã lên án thì hãy lên án tất cả mọi người, không chỉ riêng cô gái trơ trẽn kia.

Mấy hôm nay thấy mọi người chia sẻ bức ảnh cô gái không nhường chỗ cho em bé với thái độ bức xúc, ban đầu tôi cũng thấy rất chướng mắt, những chuyện kiểu này ai hay đi xe buýt đều gặp. Những người thiếu ý thức như thế không hiếm, song tôi cũng đặt ra một câu hỏi: Trên xe đâu chỉ có một chiếc ghế, nhìn thấy cảnh đó sao không một ai trong những người còn lại đang ngồi trên những chiếc ghế khác đứng lên nhường ghế cho em bé, phải chăng chỉ có cô gái đó mới phải nhường chỗ?


Hình ảnh gây phản cảm của cô gái trẻ - (Ảnh: Beat).

Bạn có thắc mắc tại sao những người còn lại trên chuyến xe đó sao không ai lên tiếng không, hay họ đã cho đó là chuyện bình thường? Nếu đã lên án thì hãy lên án tất cả mọi người, không chỉ riêng cô gái trơ trẽn kia.

Chuyện nhường chỗ xưa nay vẫn là một vấn đề khá bức xúc, không nhường bị nói, nhường người ta không nhận, mình ngồi tiếp, cũng bị nói, nhường rồi người ta ngồi vô ý thức hoặc vô duyên thì mình lại bực mình "Biết thế không nhường", hoặc đơn giản "Tại sao chỉ mỗi mình phải nhường?".

Mỗi người đều có lí do riêng để bảo vệ ý kiến của mình. Đi xe buýt, một phương tiện công cộng, người tham gia phải tự có ý thức xã hội bất kể già trẻ lớn bé, người bình thường hay đối tượng ưu tiên cũng đều phải biết ý. Học sinh sinh viên là đối tượng hay sử dụng xe buýt nhất, cũng là những người hiểu rõ sự "gian nan" của phương tiện này từ chuyện lái ẩu của các bác tài, sự hách dịch của phụ xe, mùi khói xe, mùi người ngột ngạt, sự ồn ào, trong cái cảnh nhộm nhoạm đó, kiếm được một chỗ ngồi thực sự là một chuyện vô cùng hạnh phúc, song chưa kịp ngồi hoặc ngồi chưa ấm chỗ đã phải nhường là một chuyện không phải ai cũng cam lòng, rồi ghế đã nhường thì khả năng "mất ghế" khi người mình nhường xuống xe rất cao.


"Trong cái cảnh đông đúc này, kiếm được một chỗ ngồi thực sự là một chuyện vô cùng hạnh phúc, song chưa kịp ngồi hoặc ngồi chưa ấm chỗ đã phải nhường là một chuyện không phải ai cũng cam lòng" - (Ảnh: Việt báo).

Với những người phải đi một đọan đường dài, việc đứng suốt không phải là một chuyện dễ chịu. Lúc này chính là vấn đề ý thức, người buộc phải nhường chỗ sẽ cảm thấy đỡ bức xúc hơn nếu nhận được một lời cảm ơn nhẹ nhàng hoặc một nụ cười thiện cảm của người được nhường chỗ thậm chí là một cái gật đầu thôi, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó.

Nhiều người biết mình là đối tượng được ưu tiên nên có thái độ kiểu hiển nhiên mình được ngồi, hiển nhiên chỉ cần bước lên xe là người ta phải nhường chỗ, nếu không được ngồi thì tỏ thái độ cau có khó chịu, hoặc được ngồi thì vô ý thức. Lời cảm ơn đâu có khó nói đến thế, sao nhiều người tiết kiệm vậy?

Nhiều người dẫn con nít lên xe buýt , được ưu tiên, song không dạy trẻ con chỗ đông người phải lịch sự, để con cháu nghịch quấy ảnh hưởng đến những người xung quanh cũng lơ đi, trẻ con lại nghĩ thế là hay, mà người ngoài thường ngại va chạm nên ngại nhắc, mà nhắc thì lại bị lườm hoặc gặp phải giọng bênh con cháu đến nản đành chịu trận. Đối tượng ưu tiên là được vô ý thức như vậy sao?

Nói đi cũng phải nói lại, một bộ phận không hề nhỏ những người đi xe buýt bị kém lịch sự trong văn hóa nhường chỗ. Ai cũng hi vọng mình được ngồi, nên khi một đối tượng ưu tiên nào đó bước lên xe, ai cũng nghĩ, sẽ có người khác nhường ghế cho họ, không phải mình. Từ thanh niên trai tráng khỏe mạnh đến những bác trung tuổi lực lưỡng sơ mi cà vạt, từ những bạn gái xinh xắn nói chuyện rôm rả đến những cô bác phốp pháp giọng oang oang như sấm, tất cả đều cố thủ trên ghế hết mức có thể, và bất dắc dĩ đứng lên khi bị phụ xe chỉ mặt gọi tên nhường ghế.

Mà phụ xe cũng có người buồn cười, họ thường nhắm vào những bạn gái để bắt đứng lên nhường ghế, có lẽ vì con gái dễ bảo hơn, mấy thanh niên con trai vẫn thản nhiên ngồi như không, còn các bác trung tuổi khỏe mạnh thì hầu như chả bao giờ được nhắc là phải nhường chỗ cho đối tượng ưu tiên, có lẽ đi xe buýt không cần ga lăng nhỉ? Và phải chăng ga lăng chỉ là khái niệm của người trẻ?

Một chuyện cũng không khó kiếm là, các bác trung tuổi khỏe mạnh không mấy khi có ý thức nhường chỗ cho người khác, việc đó đâu chỉ của riêng những người trẻ, họ đánh giá những người trẻ không tốt khi họ không nhường ghế, song họ không nghĩ lại bản thân mình cũng ích kỉ không muốn đứng dậy đó thôi.Nói chung, ai cũng đặt lợi ích bản thân lên đầu mà, chỉ là ai có ý thức xã hội hơn ai thôi. Vậy nên chuyện nhường chỗ trên xe buýt chủ yếu phụ thuộc vào ý thức, đúng sai do quan niệm mỗi người, vẫn là nếu muốn xe buýt được văn minh và dễ chịu hơn, thì ý thức ứng xử nơi công cộng cần phải được nâng cao.

Bạn nghĩ gì về quan điểm của tác giả bài viết và văn hóa nhường chỗ trên phương tiện giao thông công cộng? Bạn đã từng nhìn thấy tình huống nào tương tự hay gặp cảnh khó xử nào về chuyện nhường chỗ chưa?

Hãy thể hiện quan điểm của bạn với chúng tôi qua nút Gửi bài viết trên Kenh14.vn, để ý kiến của bạn được chia sẻ nhanh nhất với độc giả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày