Lương Thế Huy: "Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương"

Diệp Nguyễn; Ảnh: Mai Lân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 24/02/2016

Lương Thế Huy không phải là một cái tên nổi tiếng với nhiều bạn trẻ, nhưng lại là nhà hoạt động xã hội cũng như là niềm cảm hứng lớn với rất nhiều bạn trẻ trong cộng đồng LGBT Việt Nam, mang đến cho họ lòng dũng cảm để được là chính mình.

Tôi vô tình biết Lương Thế Huy qua một bài viết về người chuyển giới của anh trên mạng xã hội. Nhanh chóng sau đó, tôi hình thành một thói quen... theo dõi gần như tất cả những gì Huy chia sẻ trên trang Facebook của mình. Ban đầu, chưa biết nhiều về Huy, tôi cứ nghĩ anh chỉ là một người viết rất cừ, một blogger quan tâm đến LGBT và có kiến thức rộng lớn về giới tính. Khi nhìn thấy tên của Huy xuất hiện trong danh sách Forbes Vietnam 30Under30 2016, tôi thật sự ngạc nhiên. 

Mọi băn khoăn của tôi về một anh chàng có sự am hiểu quá đỗi tường tận về LGBT, về giới tính,.. hoàn toàn biến mất khi tôi biết, Huy là Giám đốc chương trình quyền LGBT của một viện nghiên cứu có uy tín tại Việt Nam. Huy từng đứng phát biểu trước phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Thuỵ Sĩ, từng ghé thăm rất nhiều đất nước trên thế giới để trao đổi, để học hỏi về cách người ta đang đấu tranh cho cộng đồng LGBT. Huy có kiến thức thâm sâu về LGBT, nhưng cũng có những quan điểm và cái nhìn đúng đắn, hiện đại về bình đẳng giới. 

Công khai mình là người đồng tính và cũng đã trải qua những cuộc đấu tranh với gia đình, Huy có một câu chuyện tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi một phần trong đó. Nhiệt huyết của Huy, niềm cảm hứng to lớn mà Huy đang tạo ra mỗi ngày từ việc mình làm đã thật sự mang đến sự dũng cảm cho hàng trăm nghìn bạn trẻ LGBT tại Việt Nam. 

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 1.

Lương Thế Huy

Sinh ngày: 31/10/1988

  • Hiện là Giám đốc chương trình quyền LGBT, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) - tổ chức hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) và các nhóm thiểu số.

  • Là đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc diễn ra tại Thuỵ Sĩ

  • Là 1 trong 30 gương mặt của Forbes Vietnam 30Under30 2016. 

  • Cử nhân luật học Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2010)

  • Chứng chỉ Học viện Tư pháp (2012)

  • Chuyên về luật quốc tế và quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 3.

1. Từ câu chuyện của riêng mình

Anh ý thức được mình là người đồng tính từ khi nào? Và từ lúc bắt đầu ý thức được, cho đến lúc chấp nhận chính bản thân mình, đó có phải là một hành trình khó khăn với anh không?

Tôi nghĩ hay nhất ngay từ đầu con người không nên đặt tên cái gọi là "đồng tính", mà chỉ là tình cảm con người với nhau. Cũng như tất cả mọi người, khi mới lớn sẽ tới khoảnh khắc mà một người cảm thấy mình bị cuốn hút, rung động bởi một người khác, đó là lúc họ nhận ra mình là ai, định vị mình trong cuộc sống. Người đồng tính khám phá về bản thân cũng tương tự như người dị tính, chỉ khác đối tượng mà sự rung động đó hướng tới thôi.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 4.

Tôi may mắn là khi đó chưa đọc quá nhiều các thông tin kiến thức sai về đồng tính, nên cũng rất trân trọng những tình cảm của bản thân, coi nó là bình thường và tự nhiên thôi, không thấy "khác lạ" lắm, cũng không thấy nó quá trọng đại hay kinh khủng. Chấp nhận bản thân thường chỉ là xuất phát điểm, giúp người khác hiểu và chấp nhận mới là hành trình dài hơn, mà hành trình này thì không bao giờ dừng lại.

Điều anh lo sợ nhất, khi quyết định công khai với gia đình là gì?

Hiểu lầm của nhiều người "công khai" có nghĩa là "Tôi có điều này muốn nói. Tôi là người đồng tính!". Việc công khai không chỉ mục đích để người khác biết về xu hướng tính dục bản thân. Công khai còn có nghĩa là giúp người khác hiểu thêm về con người của mình, trong đó về việc mình nghĩ gì, yêu ai, ghét gì, cảm thấy tổn thương với cái gì, nhiều hơn rất nhiều so với một câu nói, cuộc trò chuyện.

Tôi không lo sợ, nhưng tôi coi đó là thách thức để khi công khai, gia đình không cảm thấy mình bỗng dưng là một con người khác.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 5.

Một dấu mốc nào mà anh nhớ nhất mỗi khi nghĩ về giai đoạn mà gia đình chưa chấp nhận con người của anh?

Đó là thời gian khó khăn cho cả hai bên, cả hai đều phải trải qua rất nhiều khoảnh khắc tiêu cực, từ tiêu cực thụ động đến tiêu cực chủ động. Cả hai cũng đưa ra rất nhiều giải pháp từ phía mình, và phải lựa chọn một sự thỏa hiệp. Có khi đó sự im lặng, có khi đó là đối thoại.

Nếu anh đặt mình ở vị trí của gia đình mình, anh thấy điều khó khăn nhất với họ khi chấp nhận anh là gì?

Bố mẹ hay có những hình dung, tưởng tượng, kế hoạch bí mật cho tương lai của con cái, và nó phản ánh vào từng hành động diễn ra hàng ngày bố mẹ làm cho con cái để nó hướng đến cái tương lai ấy. Đến một ngày, những gì bạn biết về đứa con của mình khiến giấc mơ của bạn sụp đổ, và bạn cố gắng gom những mảnh vỡ để đắp lại, hoặc chỉ đơn giản là không chấp nhận nổi sự thật ấy.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 6.

Ngoài ra còn khó khăn của các bậc phụ huynh có con là người đồng tính còn phụ thuộc vào sức khoan dung của xã hội nói chung. Bố mẹ không phải là không chấp nhận được con mình đồng tính, mà nhiều khi là không chấp nhận được mình thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội với tư cách là một người bố mẹ. Xã hội có sức khoan dung hơn sẽ chấp nhận điều đó.

Trong quãng thời gian ấy, có bao giờ anh cảm thấy bất mãn, cảm thấy tuyệt vọng hay không?

Bạn không thể mơ rằng ngủ dậy một đêm và cả thế giới sẽ đứng về phía bạn, trong khi có những hoàn cảnh mà thậm chí thế giới đang chống lại bạn. Những cảm giác tiêu cực là có, nhưng nó không làm tôi ghét bố mẹ, vì như vậy là đầu hàng rằng họ không thể hiểu được mình. Những lúc bố mẹ nói lời tổn thương vì không hiểu tôi, tôi lại tự lẩm bẩm "thần chú", bố mẹ là nạn nhân của định kiến xã hội, mình cần giúp bố mẹ vượt qua.

Buông trôi hay gạt bỏ một thứ thì dễ hơn là cố gắng cải thiện, làm cho nó tốt hơn. Tôi không thấy bế tắc vì tôi tin mọi thứ đều có cách giải quyết. Tôi nghĩ định kiến và kỳ thị với người đồng tính là do con người tạo ra, chứ không phải tự nhiên nó thế. Mà phàm đã cái gì con người tạo ra được thì cũng xóa bỏ đi được.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 7.

Có một khoảnh khắc nào đấy đánh dấu sự chấp nhận của gia đình với con người anh hay không? Hay đó là cả một quá trình dần dần tự thay đổi?

Tôi đã công khai tròn 10 năm từ năm 2006. Hành trình dài, chậm rãi, từng chút một, và tốt dần lên. Vốn thì cũng không ai có cái gì tốt ngay từ đầu. Nói một ngày không được thì nói 10 ngày, 100 ngày, 1000 ngày. Ba mẹ không chịu nghe thì mình nghe ba mẹ trước, tỏ ra mình là người lắng nghe thật sự, đến lúc ba mẹ sẽ muốn nghe mình nói, lúc đó là cơ hội. Thật ra 10 năm trôi qua nhanh như một khoảnh khắc, không có gì là tự nhiên xảy ra, mà mình muốn nó xảy ra như thế nào thôi.

2. Cho đến một con đường xa hơn

Anh bắt đầu tìm hiểu tài liệu về LGBT từ bao giờ?

Là một người thuộc cộng đồng LGBT, từ lúc học cấp 3 tôi tự tìm hiểu về bản thân. Đọc các bài báo ít ỏi về LGBT lúc đó, tôi cảm thấy không thỏa mãn, có cái cảm nhận là không đúng với mình, như kiểu nói đồng tính do thiếu vắng tình thương gia đình chẳng hạn, hay giải thích ậm ừ rằng đồng tính có thể do môi trường tác động.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 8.

Xuất phát từ bức xúc tri thức, lên mạng tìm hiểu thế giới họ nói gì, lần mò trong từng từ từng chữ tiếng Anh, chắp nối từng kiến thức một, dần dần thấy sáng tỏ hơn. Rồi tôi viết lại những gì mình thu nhặt được, tìm cách chọn cách dịch tiếng Việt cho phù hợp (ví dụ tôi là người chủ trương phổ biến thuật ngữ "xu hướng tính dục", "bản dạng giới", dùng "song tính" thay cho "lưỡng tính", "liên giới tính" thay cho "lưỡng giới tính").

Sau đó tôi đăng những bình luận của mình lên một trang web, không mong ai đọc, mà chỉ cứ mở lên, nghiền ngẫm rồi lại sửa sửa xóa xóa, tới khi thấy chuẩn xác, tâm đắc rồi mới thôi. Tôi cũng mê những câu chuyện, nhân vật lịch sử LGBT trên thế giới, rất hấp dẫn, xúc động và bổ ích, đỡ căng thẳng khi phải nghiên cứu kiến thức khoa học. Những tháng ngày đó có ích tới bây giờ, vì kiến thức về LGBT của tôi đi lên từ cơ bản, so sánh, trải nghiệm chứ không phải do ghi nhớ. Kiến thức trau dồi vững, nói chuyện với ai cũng thấy dễ dàng hơn, có thể giải thích một cách dễ hiểu nhất.

Điều gì thôi thúc anh tiếp tục dấn thân vào con đường có thể coi là "vác tù và hàng tổng" này?

Tốt nghiệp đại học xong tôi thực tập nửa năm với công việc phù hợp ngành học của mình, luật. Làm được nửa năm, kiến thức tôi tăng lên, nhưng năng lượng và động lực lại tụt giảm. Vốn quen sống thật, tôi nghỉ việc. Đúng lúc đó Trung tâm ICS, tổ chức đầu tiên của cộng đồng LGBT Việt Nam đăng tuyển, tôi ứng tuyển vào và trở thành những nhà hoạt động quyền LGBT chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 9.

Tới bây giờ vẫn chưa có cảm giác mình "phải đi làm", mà là mình "đang sống", mà lại là sống cùng bạn bè, bạn đồng hành, đồng chí với mình. Nên đường mở lối tới đâu thì mình cứ bước tiếp tới đó.

Chặng đường anh đã đi với iSEE và đồng hành cùng cộng đồng LGBT, nhìn lại, anh có cảm xúc gì?

Hy vọng. Tôi bắt đầu đặt chân vào phong trào quyền LGBT với hy vọng mình học được gì đó. Những bước tiếp theo lại hy vọng mình đóng góp gì đó. Những biến chuyển tuyệt vời từ cộng đồng, xã hội lại trao cho tôi hy vọng về những thay đổi, về thế hệ tiếp theo. Lúc nào cũng là hy vọng tiếp nối.

Điều tuyệt vời nhất từ những trải nghiệm anh có khi hoạt động cho cộng đồng LGBT là gì?

Là được nhận những lời cảm ơn từ những người có thể mình không quen biết hay lần đầu gặp mặt. Nó không phải là thấy mình nổi tiếng mà vui, mà là vui vì thấy mình có ích cho ai đó. Cái này quan trọng và ý nghĩa lắm, như là bác sĩ thì cho người ta sức khỏe, thầy cô thì cho người ta kiến thức, còn công việc hoạt động LGBT của tôi cho người ta sự tự hào, dũng cảm.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 10.

Câu chuyện nào khiến anh day dứt nhất sau một thời gian dài hoạt động cho cộng đồng LGBT?

Tôi hay nhận điện thoại từ nhiều bạn LGBT gặp khó khăn với gia đình. Có trường hợp bị nhốt và đánh đập trong nhà, bạn gọi cho tôi, tôi tư vấn, hỗ trợ từ xa trong lúc thái độ gia đình rất kích động, căng thẳng. Nửa đêm tôi nhận được cuộc gọi thông báo rằng bạn đã trốn được ra khỏi nhà và chuẩn bị bay đi nơi khác, câu đầu tiên tôi nói với bạn ngay lúc đó là "chúc mừng". Từ sau tôi cũng không biết tin tức về bạn, cũng như nhiều người tôi tư vấn sau đó nữa. Tôi chúc mừng đơn giản vì tôi vừa thấy một người trốn chạy đào thoát đã tìm được đường tự do.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 11.

Nhưng tôi cũng day dứt vì tự hỏi tại sao là chính mình lại quá khó khăn. Thật vô lý khi phải lựa chọn đánh đổi giữa hai việc mà lẽ ra con người cần phải có cả hai một cách không điều kiện: sống thật hay được gia đình yêu thương. Vậy mà giờ đây vẫn có những người phải cân nhắc sẽ cứu lấy điều nào trước.

Sau từng ấy năm hoạt động, anh thấy cái nhìn của xã hội đã đủ "rộng" và "dễ" cho cộng đồng LGBT hay chưa?

Đây là quá trình hai chiều, từ người đồng tính và từ xã hội. Người đồng tính cần biết rằng xã hội đã khác ngày hôm qua mà sống tự tin, dũng cảm hơn. Đồng thời xã hội, mà cụ thể là từng người, cũng cần biết rằng mình đang sống trong một thế giới đa dạng và chỉ có tôn trọng chứ không phải chối bỏ mới làm con người hạnh phúc hơn, từ đó tạo một môi trường trong lành, an toàn hơn với những người đồng tính mà vẫn còn có thể bị mất việc, bị đuổi học vì họ là người đồng tính.

Hai nền tảng cơ bản đó, tôi nghĩ xã hội Việt Nam đang dần dần xây dựng, chưa hoàn thiện, nhưng ít ra đã bắt đầu.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 12.

Anh nghĩ, xã hội đã có đủ kiến thức về LGBT nói riêng và giới tính nói chung hay chưa?

Tôi không thể coi đồng tính là bình thường nếu tất cả những sách báo tôi đọc đều nói rằng đồng tính là bệnh, là trào lưu. Mới tuần trước tôi vẫn thấy một tiến sĩ tâm lý học nức tiếng nói rằng đồng tính cần phải đợi tới 30 tuổi mới khẳng định được, nói vậy thì người đồng tính 18 tuổi vừa bị gia đình phát hiện sẽ sắp trải qua 12 năm kinh khủng nhất cuộc đời rồi.

Kiến thức LGBT bây giờ nói chung dễ tiếp cận, rộng rãi. Nhưng đôi lúc có người còn không tin tài liệu từ cơ quan của tôi biên soạn! Dù cơ quan của tôi là viện nghiên cứu, đăng ký hoạt động hợp pháp, tham khảo tài liệu uy tín từ quốc tế; nhưng người ta cứ trích những tài liệu phản đối LGBT của mấy tổ chức cực đoan nước ngoài để tranh luận lại. Kiến thức thôi chưa đủ, cuối cùng vẫn phải là bạn có chấp nhận bao dung, với nghĩa đen là "chứa được" những thứ khác với bạn không.

3. Câu chuyện về sự bình đẳng

Theo anh, cái nhìn khắt khe của xã hội với LGBT có thể so sánh với sự đóng khung vai trò về giới của cả nam lẫn nữ?

Bây giờ trên thế giới người ta hay nghiên cứu vấn đề dưới lăng kính "đa chiều", ví dụ "nghèo đa chiều", cũng có định kiến đa chiều nữa. Đồng tính nữ bị định kiến vừa là nữ, vừa là đồng tính, các vấn đề đan xen vào nhau. Chuyển giới nữ thì bị cho là làm ảnh hưởng giá trị, quyền uy của sự nam tính, chứ không chỉ vì họ là người chuyển giới. Phân tích tốt các chiều ra thì sẽ tháo gỡ tốt hơn.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 13.

Anh có nghĩ rằng, việc xã hội có cái nhìn khó khăn với LGBT bắt nguồn từ chính việc xã hội đã đóng khung hình mẫu của người nam và nữ? Khi mà bất cứ người đàn ông nào cũng phải được đặt vai trò là người mạnh mẽ, còn người nữ phải luôn nhu mì, hiền thục mới chính là sự hoàn hảo?

Không chỉ xã hội đâu mà bản thân người LGBT cũng bị điều khiển bởi khuôn mẫu giới mà. Kiểu như "gay thì gay nhưng cũng phải mạnh mẽ" rồi kỳ thị các bạn gay ẻo lả chẳng hạn. Nói chung định kiến, khuôn mẫu toàn làm hại người ta, nhưng người ta lại yêu nó lắm, vì nó tạo cho người ta cảm giác an toàn, thuộc về số đông. Đó là lý do tôi rất cổ súy cho quyền tự do thể hiện, nam giới càng ẻo lả càng tốt, miễn là họ thích như vậy, bất kể họ nghĩ mình là ai, yêu ai. 

Cách tốt nhất để xã hội bớt đi những cơn "sốc, choáng" đó là xã hội cần phải "sốc, choáng" nhiều hơn, tất nhiên là vì được phơi ra với những giá trị tốt đẹp: đa dạng, tự do là tốt đẹp, chứ chả có gì xấu, chứ không phải bạo lực hay thù ghét.

Bình đẳng giới là một khái niệm mà chúng ta đã được nghe rất nhiều. Nhưng dường như, ở Việt Nam, nó mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi trong Sinh sản ( tránh trọng nam, khinh nữ), hay chuyện… phân chia việc nhà ( trong từ điển của các mẹ bỉm sữa). Anh có thấy đó là một sự thiếu sót lớn hay không?

Trước Tết có bài báo ca ngợi một diễn viên tự hào nói rằng mấy chục năm rồi ngày 30 Tết nào cũng phụ vợ dọn dẹp, nấu ăn. Tôi tự hỏi vậy 364 ngày còn lại anh ấy làm gì khi ở nhà với vợ. Bình đẳng giới không phải là màn biểu diễn của đàn ông, hay tiết mục tri ân, ca ngợi phụ nữ vào 3, 4 ngày trong năm. Tôi đều coi những thứ đó chỉ là sự vuốt ve, dỗ ngọt.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 14.

Cái khó của bình đẳng giới ở Việt Nam là đàn ông dị tính có quá nhiều đặc lợi. Nhỏ thì mẹ chăm, lớn thì vợ chăm, già thì nằng nặc giữ con trai bên cạnh nhưng thật chất lại là con dâu chăm. Cả một xã hội vận hành có lợi cho đàn ông dị tính, làm sao họ lại muốn thay đổi? Phụ nữ cần nhìn ra cốt lõi vấn đề nằm ở đó, nếu thật sự muốn đóng góp cho bình đẳng giới thì nhiều khi thành ra khắc nghiệt với những người mình yêu thương: cha mình, chồng mình, con trai mình. Nhưng đó là con đường duy nhất.

Đa phần người ta khi nhắc đến bình đằng giới, hay chuyện nữ quyền, thường xù lông và cho rằng điều đó không hợp với văn hoá phương Đông. Nhưng chúng ta cũng không thể dùng văn hoá truyền thống để tiếp tục làm lu mờ vai trò của người phụ nữ. Vậy theo anh, thế nào là sự cân bằng đủ giữa hai yếu tố này?

Cũng như nhiều người nói LGBT là không phù hợp văn hóa Việt Nam vậy. Câu hỏi đặt ra là điều đó được quy định ở chỗ nào của văn hóa vậy? Nếu họ trả lời là văn hóa là phải thế này thế kia. Câu hỏi vẫn là "quy định ở chỗ nào?". Vì văn hóa Việt Nam đối với tôi lại khác, lại là tôn trọng, yêu thương, không thù ghét như văn hóa mà anh đang nói. Mỗi chúng ta tự có một diễn ngôn riêng của mình. Tốt nhất đừng nói về văn hóa mà hãy nói về giá trị phổ quát mà hễ là con người ai cũng mong muốn: tự do, bình đẳng. Phụ nữ hay LGBT hay bất kỳ nhóm thiểu số nào, cũng có thể nương tựa vào đó.

Lương Thế Huy: Rất nhiều người LGBT phải lựa chọn đánh đổi giữa Sống thật hay Được gia đình yêu thương - Ảnh 15.

Anh có nghĩ rằng, điều mà đa phần chúng ta đều rất thiếu, để tiến tới bình đẳng giới, tiến tới coi trọng người phụ nữ và cộng đồng LGBT, đó là sự tôn trọng và thấu cảm cho quyết định và lựa chọn của nhau?

Đúng. Khái quát lên đó là sự bao dung, bao dung theo đúng nghĩa của nó là "chứa đựng" được nhiều thứ hơn, chứ không phải ban phát một điều gì đó đặc biệt. Bao dung để thấy dưới vòm trời này luôn có chỗ cho tất cả mọi người chung sống và yêu thương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày