Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam

Bài và ảnh: Ngọc Phương, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 04/04/2013

Ngay tại Hà Nội, người dân có thể trực tiếp mắt thấy, tay sờ vào những vũ khí hủy diệt, những siêu bom, siêu mìn từng tàn phá đất nước Việt Nam.

Ngày 3/4/2006, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã công bố chọn ngày 4/4 hàng năm là Ngày Quốc tế Nâng cao nhận thức phòng tránh bom mìn và Hỗ trợ tháo gỡ bom mìn (hay còn gọi là Ngày thế giới phòng chống bom mìn).

Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 15.000 người bị thương vong do bom mìn và vật nổ chiến tranh gây ra. Riêng ở Việt Nam, đất nước liên tục trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt, trên 40.000 người đã chết, 60.000 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Trong suốt 37 năm qua (từ sau năm 1975), trung bình mỗi ngày có tới 4 người chết và 6 người bị thương do hậu quả của bom mìn.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 1
Chiến tranh đã đi qua nhưng bom mìn còn sót lại vẫn hàng ngày cướp đi sinh mạng, gây thương tật cho người dân Việt Nam. Theo thống kê, 30% số người chết vì bom mìn là trẻ em. Ảnh: Ngọc Phương.

Trong thời gian một thập kỷ (từ năm 1965 - 1975), quân đội Mỹ đã trút xuống Việt Nam 15 triệu tấn bom, đạn, rốc két và chôn trong lòng đất hàng triệu quả mìn. Con số này lớn gấp 4 lần tổng số bom mìn của cả Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau khi chiến tranh kết thúc, còn khoảng 5% (750.000 tấn) bom, mìn chưa nổ.

Theo số liệu thống kê, trên 1.350 ha đất được rà phá, đã phát hiện được 24.000 quả bom, mìn chưa nổ. Theo Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh - Bộ Quốc Phòng (BOMICEN), ở Việt Nam hiện còn khoảng 600.000 tấn bom mìn và vật nổ từ thời chiến tranh vẫn nằm trong lòng đất, gây ô nhiễm 6 triệu ha đất (khoảng 21,12% diện tích Việt Nam).

Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá. Mỗi năm, có khoảng 20.000 ha đất được rà phá chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Với tốc độ rà phá hiện nay, khoảng 300 năm nữa, Việt Nam mới loại bỏ được hết các loại bom, mìn chưa nổ.

Bom mìn đã giày nát đất nước ta trong chiến tranh và hậu quả của nó để lại sau khi chiến tranh kết thúc vẫn là nỗi ám ảnh, là nguyên nhân gây thương vong cho người dân Việt Nam trong nhiều năm nữa.

Những ngày này, người dân có thể đến Bảo tàng Công binh (Hà Nội) để tận mắt chứng kiến, tận tay sờ vào những siêu bom, siêu mìn và hàng ngàn hiện vật là bom đạn, vật liệu nổ - những thứ vũ khí hủy diệt từng tàn phá mảnh đất hình chữ S Việt Nam.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 2
Những quả bom có khối lượng từ trên 100 kg cho đến gần 7 tấn được xếp thành hình "siêu pháo đài bay B-52" ở trung tâm phòng trưng bày Bảo tàng Công binh. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 3
Quân đội Mỹ đã trút xuống Việt Nam 15 triệu tấn bom, đạn, rốc két và chôn trong lòng đất hàng triệu quả mìn. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 4
Những quả bom với đủ loại hình dáng, kích thước, khối lượng đã cày nát đất nước ta. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 5
Chiến trường Việt Nam những năm 1960-1970 là nơi lần đầu tiên loại bom BLU-82 nặng gần 7 tấn (còn được biết đến với tên "Daisy Cutter") được sử dụng. Trọng lượng và kích thước của quả bom lớn đến nỗi nó chỉ được chở bằng máy bay vận tải C130 và mỗi chuyến bay cũng chỉ chở được tối đa 2 quả. Loại bom được chế tạo nhằm phát quang cây cối làm bãi đáp trực thăng hoặc dàn trận địa pháo. Với cơ chế hoạt động đặc biệt, quả bom được kích nổ ngay trên mặt đất (không tạo ra hố bom) và có thể san phẳng mọi thứ trên một diện tích lên tới 100.000 m2. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, BLU-82 cũng từng được dùng nhằm tiêu diệt quân đối phương, gây sát thương lớn. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 6
Bảo tàng còn lưu giữ quả thủy lôi lớn nhất từng được biết đến với đường kính trên 2,5 mét, chứa 180kg thuốc nổ C4. Theo các tài liệu thu thập được, loại thủy lôi này là "vũ khí tối mật", chỉ có 10 quả và đều được sử dụng nhằm đánh sập cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Chi phí để nghiên cứu và sản xuất 10 quả thủy lôi này ước tính lên tới 1 tỷ USD (theo thời giá năm 1965). Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 7
Đối lập với những quả bom, quả mìn khổng lồ ở trên là những loại bom nhỏ nhắn nhưng có sức sát thương ghê gớm như bom bi quả ổi, bom bướm, bom xuyên... Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 8
Sau chiến tranh, loại vũ khí gây chết người nhiều nhất không phải là những quả "bom tạ, bom tấn" còn sót lại mà là những quả bom bi với hình dạng nhỏ nhắn. Mỗi quả bom bi mẹ CBU:49C/B - loại bom có độ sát thương trên diện rộng - có chứa hàng ngàn quả bom bi con ở bên trong. Mỗi quả bom hình quả ổi chứa 300 viên bi (như bi xe đạp), tầm sát thương 10 mét. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 9
Những thứ vũ khí hủy diệt, sát thương đáng sợ. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 10
Các lại bom, đạn, đầu nổ khác nhau trưng bày trong bảo tàng. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 11
Các loại đạn chiếu sáng được sơn màu trắng, không gây sát thương, dùng để chiếu sáng, giúp phát hiện mục tiêu trong đêm tối. Đạn sát thương thường sơn màu xanh ôliu và xám. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 12
Một quả bom chùm chứa hàng trăm bom con bên trong, có sức sát thương trên diện rộng. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 13
Nhiều loại thủy lôi đối phương sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 14
Dưới nước có thủy lôi, trên bờ đối phương sử dụng nhiều loại mìn chống tăng để cản bước tiến công của quân đội ta. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 15
Khí tài trinh sát điện tử hay còn được gọi là “cây nhiệt đới” dùng để thu và phát âm thanh chấn động. Đối với người đi bộ khoảng 20-30m là có thể thu được tiếng động, đối với xe cơ giới khoảng 300-450m. Khi thu được tín hiệu, loại cây này sẽ phát tín hiệu về trung tâm điều hành bay của không quân Mỹ, ngay lập tức máy bay sẽ tới ném bom ở vị trí mà cây phát tín hiệu. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 16
Hàng loạt đầu đạn nổ phá. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 17
Xác một quả bom phá. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 18
Những chiếc đuôi bom đủ kích cỡ. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 19
Bom quả dứa chứa tới 450 viên bi, tầm sát thương 15 mét. Loại bom này thường gây thương tật cho nhiều trẻ em bởi bề ngoài bắt mắt. Ảnh: Ngọc Phương.

Mắt thấy, tay sờ những vũ khí hủy diệt từng tàn phá đất nước Việt Nam 20
Đáy một quả bom quả dứa ghi rõ ngày sản xuất là tháng 6/1966. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, nhưng những quả bom như thế này trông vẫn rất mới, là thủ phạm cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Việt Nam. Ảnh: Ngọc Phương.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày