Nhiều cây xanh vẫn đang bị đốn hạ trong sự băn khoăn của người dân Hà Nội

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 18:56 18/03/2015

Ngay trong ngày 18/3, nhiều cây trên các tuyến phố Hà Nội vẫn đang bị đốn hạ theo dự án thay mới 6.700 cây xanh. Trong bối cảnh miền Bắc đã bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của năm nay, thì càng khiến người dân thành phố băn khoăn về dự án này.

Qua khảo sát cây xanh ở 10 quận nội thành Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất chặt hạ và thay mới 6.700 cây, trong đó có những cây hơn 100 tuổi.  Theo lí giải của Sở, những cây xanh đó có một phần là cây bị sâu, mục, rễ nông, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông, một số khác phải chặt bỏ để phục vụ cho tuyến đường sắt trên cao (số này đã bị chặt) là những cây xà cừ cổ thụ dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, ven hồ Thủ Lệ, đường Láng...

Trên nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội những ngày này ngổn ngang những cây xanh bị đốn hạ, trong đó có nhiều loại đường kính thân cây khá lớn. Ghi nhận của chúng tôi trong chiều 18/3 - một ngày khá oi nóng với nhiệt độ đã lên tới trên 30 độ C:



Hình ảnh các cây xanh đang bị đốn hạ chiều 18/3 trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh.


Tuy nhiên, đây cũng là hình ảnh trong những ngày gần đây ở nhiều tuyến phố nội đô khác. 


... Và cả trên đoạn đường Lê Duẩn.


Các cây xanh bị đốn hạ được chuyển đi.

Dẫu biết việc loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố là kế hoạch của thành phố nhưng nhiều người vẫn cảm thấy xót ruột, tiếc nuối và lo lắng cho không gian xanh đô thị có thể bị phá vỡ. Nhất là Hà Nội đang chuẩn bị vào hè, với cái nắng gay gắt có những ngày lên tới 40 độ C và hiệu ứng bê tông hóa, người dân sẽ cảm thấy thế nào nếu đi dưới những con đường không hề có bóng cây xanh. Như ngày hôm nay, cảm giác oi nóng đã khá rõ ràng khi trời nắng và nhiệt độ đã lên đến hơn 30 độ.

Trên khắp các diễn đàn mạng, nhiều tranh luận với những luồng ý kiến trái chiều được đưa ra. Phần đông ý kiến tỏ ra băn khoăn tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế những cây còn đang rợp bóng mát, không những không ảnh hưởng đến giao thông mà còn che mát cho người dân khi lưu thông giữa trời nắng gắt. Có người bày tỏ lo lắng việc chặt quá nhiều cây xanh như thế sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái - cảnh quan đô thị và tâm lý người dân.

Nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra xung quanh quyết định chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội - (Ảnh chụp màn hình).

Cây xanh được biết đến là lá phổi xanh, làm giảm đi cái nóng oi bức gay gắt của Hà Nội rất nhiều năm qua. Cây xanh bị đốn hạ, đồng nghĩa lá phổi xanh của thành phố bị đe dọa. Tình trạng ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội cũng có nguy cơ nghiêm trọng hơn. "Một cây xà cừ mất bao lâu để lớn như vậy, tán lớn như vậy, che phủ bóng râm lớn như vậy, nói chặt là chặt rồi thay vào một cái cây non khác cành còi không lá, bao lâu chúng mới thành cây lớn đủ để có một bóng râm.

Mùa hè sắp đến và tất cả mọi người giữa tháng 6 bước chân ra đường phố không còn bóng cây ví dụ như đường Nguyễn Trãi, sẽ cảm nhận được thế nào là không còn cây xanh", một facebooker lo lắng.

Thêm vào đó, những cây xà cừ là thành quả của TP Hà Nội hàng chục năm, tốn kém khá nhiều chi phí chăm sóc. "Chặt cây rồi lại trồng cây. Tốn kém bao nhiêu để chặt cây rồi lại một lần nữa chi phí cho việc trồng cây".

Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến trên, một số quan điểm lại cho rằng, quyết định trên là việc nên làm từ lâu, bởi tình trạng các cây cổ thụ ở các đường phố Hà Nội bị mục ruỗng, đổ gãy vào các mùa mưa bão, gây thiệt hại về người và của lâu nay cũng là một thực trạng khiến xã hội lo lắng. 

"Xà cừ giòn dễ gãy cành, rễ lại ăn nông dễ đổ. Chặt bỏ là đúng mà. Giờ họ trồng cây mới lớn nhanh lắm, chỉ vài ba năm là đẹp ngay thôi."

"Quy hoạch lại, trồng cây mới giống mới, an toàn hơn, ít sâu bệnh hơn, bây giờ chúng ta chịu thiệt một tí, nhưng cái lợi con cháu chúng ta sẽ được nhiều hơn cái chúng ta mất bây giờ", một người dùng mạng cho rằng mọi người không nên vì cái trước mắt mà bỏ đi cái lợi ích lâu dài.




Những cây non được trồng mới ở nhiều tuyến đường Thủ đô.

"Hôm trước đi qua Nguyễn Chí Thanh đoạn qua hồ Thành Công thì thấy ngta chặt hết keo, tưởng mở rộng đường, đến hôm nay đi, thấy người ta đã trồng một loạt cây mới, kể ra thì cũng khang trang, sạch đẹp hơn nhiều", một cư dân mạng lạc quan.

Từng cây, từng cây... gục xuống nhưng không có người dân nào được hỏi ý kiến. Và ví thế, một vấn đề khác đang được bàn luận ở đây người dân thiếu thông tin về quy hoạch cây xanh của thành phố, thành ra, họ cảm thấy hơi hoang mang trước quyết định đột ngột này. "Nếu chặt cây để xây sky-train thì có thể chia sẻ. Nhưng vừa chặt hôm trước, hôm sau mang cây khác đến trồng với lý do một con đường cần có một loại cây chung, dư luận có quyền đặt câu hỏi? Cần công khai minh bạch vì sao chặt, chặt những 6.700 cây thì những phần gỗ đó đi đâu làm gì... Và tóm lại tại sao phải chặt cây khi ngành môi trường còn nhiều việc khác để làm?", một bạn trẻ bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, đúng ra, các đô thị phải có thông tin về việc những loại cây nào được trồng, loại cây nào không được trồng và kế hoạch thay thế, trồng mới, đồng thời trước khi thực hiện thì truyền thông rõ ràng để người dân không bị sốc. Nguyên tắc quy hoạch cây xanh đô thị là không trồng các loại cây dễ gãy, mục, ví dụ cây gạo; không trồng các loại cây rễ mọc lan trên mặt đất vì sẽ làm hỏng nền gạch vỉa hè; không trồng các loại cây tỏa hương có thể gây ảnh hưởng đến không khí... Đấy là những nguyên tắc mà các thành phố trên thế giới đều đề ra và thực hiện để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, mà thực tế nếu thực hiện đúng thì sẽ phải thay thế rất nhiều cây lớn ở Hà Nội do không phù hợp, ví dụ phượng, xà cừ, hoa sữa... Vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào, tiến độ ra sao, chứ cùng lúc bóc toàn bộ cây xanh đi để thay thế thì mùa hè, người dân không... đỡ kịp trước thay đổi chóng mặt ấy.

Cây xanh là một trong những tiêu chí mà con người hướng đến xây dựng “đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc” – chủ đề của Ngày Kiến trúc thế giới năm 2014. Chính vì vậy, quyết định chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh của TP. Hà Nội ít nhiều đã gây nên làn sóng tranh luận của cộng đồng xã hội. Việc giữ lại hay thay thế cây xanh không chỉ là quyết định của riêng lãnh đạo thành phố, đó còn là nguyện vọng, là tâm niệm và nhu cầu, trách nhiệm của toàn thể người dân.

(Ảnh: Thành Nam)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày