Nhức nhối cảnh xin tiền lừa đảo trên cầu vượt đi bộ

Tuyết Ngân, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 22/01/2013

Tập trung tại hành lang của cầu đi bộ, trước cổng bệnh viện, trường Đại học rồi nhận mình là người trong tổ chức từ thiện để bán tăm ủng hộ các em nhỏ mồ côi, tật nguyền… Thế nhưng, thực chất đây chỉ là trò lừa đảo.

Tại cầu đi bộ trước cổng bệnh viện Bạch Mai, hình ảnh những người phụ nữ đứng ngay hành lang lên xuống và mời mọc mua tăm ủng hộ đã không còn xa lạ với những người qua đường, đặc biệt là người nhà bệnh nhân. Đây hầu hết là những người từ quê đến thăm bệnh nên họ càng có dịp mời chào nhiệt tình, mọi người cũng vui vẻ rút tiền ra để ủng hộ và không biết mình đã “mắc câu” những kẻ lừa đảo.

Nhức nhối cảnh xin tiền lừa đảo trên cầu vượt đi bộ 1
Những đối tượng này đứng trên cầu dành cho người đi bộ để chèo kéo, ép người đi đường mua tăm với lý do ủng hộ trẻ em nghèo

Khi chúng tôi tiếp cận và giả vờ đến ủng hộ thì tờ danh sách ghi tên những người mua chỉ là một tờ giấy A4 vẻn vẹn với mấy cột ngang dọc và hơn hết là thông tin hết sức mơ hồ. Không có tên trại trẻ cụ thể nào, còn danh sách kia chỉ với một cái tên: “Danh sách các nhà hảo tâm có lòng từ thiện trên cả nước dành cho người mù và người khuyết tật” mà thôi. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý trong cái danh sách ủng hộ kia chỉ viết tên không (bạn Hạnh, Bác Ánh, Bạn Anh...), địa chỉ viết tắt (HĐ, CG, NB, TH...) Số tiền ủng hộ và chữ kí xác nhận, còn số điện thoại và một cái gì đó làm chứng cũng không có. Quan sát kĩ trong tờ giấy kia, nhiều bác đã chi 50.000 đồng, 100.000 đồng ra để mua một gói tăm, thậm chí là 150.000 nghìn đồng.

Nhức nhối cảnh xin tiền lừa đảo trên cầu vượt đi bộ 2

Khi được hỏi số tiền này sẽ được ủng hộ đến nơi nào và tăm được lấy từ đâu thì họ chỉ trả lời bâng quơ: “Để mua mũ Noel cho các cháu bên Trung tâm”, nhưng cũng không biết trung tâm đó ở đâu!?

Anh Nguyễn Văn Bảo, quê Thái Bình, người nhà bệnh nhân bức xúc: “Mình đi qua đây nhiều lần, và ngày nào cũng gặp tình trạng như thế. Thực ra nếu bán thì bán hẳn, ủng hộ thì ủng hộ hẳn, cứ chèo kéo bắt ép người ta mua như thế rất khó chịu”.

Nhức nhối cảnh xin tiền lừa đảo trên cầu vượt đi bộ 3
Nhiều phụ nữ mời chào nhiệt tình, thậm chí chèo kéo và dúi vào tay người qua đường những gói tăm và giới thiệu là bán để “tổ chức giáng sinh cho các em nhỏ tật nguyền” hay nhiều lý do khác… đã trở thành hình ảnh không lạ đối với những người thường xuyên đi lại trên cầu vượt dành cho người đi bộ trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Tương tự như cầu đi bộ trước cổng bệnh viện Bạch Mai, tình trạng bán tăm tại cầu đi bộ trước cổng Viện 103 cũng đang trở thành vấn nạn “hành” người nhà bệnh nhân và những người đi đường. Cũng theo lời kể của anh Bảo: "Đợt trước có người nhà vào Viện 103 chữa trị, lần nào đi qua cũng thấy một tốp người đứng trước cầu thang lên xuống mời mua tăm. Khi đưa 20 nghìn ra trả thì họ kì kèo bảo thêm 10 nghìn nữa để đủ 30 nghìn để nhận giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy chứng nhận cũng chỉ là một tờ giấy A5 có dấu đỏ mờ mờ và có khoảng trống điền tên và địa chỉ đại khái mà thôi”.

Điều đáng nói là hầu hết nạn nhân của trò lừa đảo này đều là người nhà bệnh nhân từ quê lên, vì thế thấy ai tay này túi nọ là các đối tượng bán tăm chạy đến mời mọc. Một vài người nhất quyết từ chối nhưng họ vẫn không buông và thậm chí đưa tăm vào tận tay và không chịu nhận lại bắt đưa tiền ra và kí tên vào tờ giấy A4 kia.

Nhức nhối cảnh xin tiền lừa đảo trên cầu vượt đi bộ 4
Mỗi một gói tăm, số tiền mà những “nhà hảo tâm” bị lừa mua phải trả lớn hơn rất nhiều lần so với giá thật của gói tăm.

Tương tự, cầu đi bộ trước ĐH GTVT cũng trở thành địa điểm “mưu sinh” của nhóm người bán tăm. Không chỉ bán cho những người “tự nguyện”, họ còn kì kèo, thậm chí bắt ép người qua đường mua cho bằng được. Nhiều bạn từ chối đều bị kéo lại và giảng giải về việc mua bán này, tới lúc các bạn tỏ ra khó chịu họ mới chịu buông và đi mời mọc những người khác.

Bạn Thông – ĐH GTVT bức xúc mà thốt lên: “Như thể ăn cướp vậy!”. Một bác bán hàng bên cạnh cầu cho biết: “Thường ngày nó hay đến đây bán lắm. Có công an, bảo vệ đến thì nó chạy. Còn không có thì nó đứng kì kèo cho tới tối mới về. Bọn nó giả vờ khéo lắm, chứ không phải là ủng hộ gì đâu”. 

Việc giả làm người của các tổ chức từ thiện để bán tăm đã tồn tại khá lâu, tuy nhiên, vấn nạn tập trung bán tăm trên cầu vượt dành cho người đi bộ gần bệnh viện, trường đại học, bến xe bus lại đang rất nổi cộm bởi lẽ việc này không chỉ gây trở ngại cho người qua đường đặc biệt là lúc tan tầm mà còn khiến mọi người rất bức xúc.