Những quán ăn lâu năm nổi tiếng trong con hẻm thiên đường ăn vặt ở Hà Nội

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 09:53 31/10/2015

Đến những quán ăn này, khách chỉ phải rút ví chưa quá 35.000-40.000 đồng nhưng lại được thoải mái ăn no nê trong khi chất lượng thực phẩm được nhiều người đánh giá là hoàn toàn có thể sánh ngang với nhiều quán ăn đắt đỏ khác.

Ở Hà Nội, chuyện buôn bán hàng ăn khuất sâu trong những con hẻm nhỏ, chật chội không còn là điều gì xa lạ. Thậm chí, những "góc khuất" này còn trở thành thiên đường ẩm thực giá rẻ, thu hút nhiều thực khách ghé qua, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Những con hẻm như thế có rất nhiều nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là ngõ chợ Đồng Xuân, Xưởng Phim và một phần của khu "tam giác vàng" ăn uống quanh trường Đại học Bách Khoa, Kinh Tế Quốc Dân - ngõ Tự Do, ngõ 40 Tạ Quang Bửu.

Hàng quán trong những con ngõ nhỏ này mọc lên san sát với những biển hiệu đơn giản, na ná giống nhau. Mỗi gian hàng chỉ nhỏ chừng vài mét vuông nhưng vào giờ cao điểm thì quán nào, quán đấy đều tấp nập người ra, kẻ vào. Mỗi hàng quán bán những món ăn "không đụng hàng" nhưng ranh giới kinh doanh thì tưởng như bất phân. Buôn bán trong không gian chật chội nên hầu hết chủ các quán ăn đều ra sức hỗ trợ nhau tiết kiệm diện tích. Ngồi ở quán này, khách có thể tha hồ gọi đồ ăn từ quán khác. Nhân viên sẽ vô cùng niềm nở mang đồ ăn sang mà không hề có một lời phàn nàn nào. 

Cứ như thế, nhịp buôn bán diễn ra sôi động và tạo nên những thương hiệu riêng. Nhắc đến tên những ngõ nhỏ ẩm thực ấy, nhiều người hẳn thấy quen quen nhưng để điểm danh từng quán, hỏi cho ra ngọn ngành về thâm niên bán hàng của từng quán, vì sao lại đông khách, quán nào "ngon-bổ-rẻ" nhất... có lẽ nhiều thực khách sẽ phải ấp úng vì chẳng thể nắm rõ câu trả lời. Họ chỉ nhớ, mỗi lần "đi lạc" vào các "thiên đường rút ví" ấy thì sẽ yên tâm ra về với một cái dạ dày căng đầy và một tâm hồn thư thái vì được ăn ngon, ăn no trong tình trạng "hầu bao" cũng chẳng bị hao hụt đi là mấy.

 Ngõ Chợ Đồng Xuân

Ngõ Chợ Đồng Xuân lâu nay nổi danh với biệt hiệu "thiên đường rút ví không quá 35.000 đồng". Nơi đây tập hợp đầy đủ những món ngon chốn Hà thành như: Phở cuốn, bánh tôm, nộm bò khô, bún ốc, bún chả, nem cua bể, bánh gối, há cảo... Những món ăn này được phục vụ theo phong cách bình dân, giống như ngồi ăn ở các ki-ốt trong chợ. Có lẽ, đó cũng là một phần lý do khiến giá thành đồ ăn ở đây rất rẻ, tất cả không có món nào vượt quá 35.000 đồng.

Điều đáng nói là hầu hết, các hàng quán trong ngõ ẩm thực này đều có thâm niên khá lâu, ít nhất cũng ngót nghét gần chục năm trời. Địa bàn nhỏ, chỗ ngồi gần như đã bị cố định, nhiều chủ quán cho biết, những ki-ốt ấy cứ được truyền hết từ người nọ sang người kia trong gia đình. Vì thế, có những gian hàng suốt gần 40 năm qua vẫn chỉ bán một thứ là bún ốc hay tương tự, có những khoảnh đất mà chủ nhân của nó, đã mấy đời, đều chỉ bán nộm bò khô.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung (chủ một ki-ốt) bán bún ốc, bún chả trong ngõ chợ Đồng Xuân cho biết, một mình bà đã lăn lội với nghề buôn bán trong con ngõ nhỏ này gần 40 năm. Lịch sử hàng ăn ở khu này đã có từ khá lâu, khi bà bắt đầu dọn hàng thì nhiều gia đình khác đã kéo đến mở ki-ốt từ trước. Lâu dần, ngõ chợ Đồng Xuân biến thành "thiên đường ăn vặt" ở Hà thành.

IMG_0607-8f396
Những quán ăn ở ngõ Chợ Đồng Xuân tấp nập khách ra vào.

IMG_0582-8f396
Bà Nhung cùng gian hàng bán bún ốc, bún chả nho nhỏ của mình

"Ngày xưa thì chủ yếu bán cho khách đi chợ Đồng Xuân, tiện đường ghé vào ăn ít bún, ít cháo cho đỡ đói bụng. Vì phục vụ chủ yếu cho dân lao động nên từ lâu, khu này đã có truyền thống bán đồ ăn giá rẻ". Bây giờ thực khách của bà Nhung không đơn thuần chỉ có khách đi chợ nữa mà còn có những người đi bụi, du lịch hay đơn giản là những người trẻ tuổi, nổi hứng đi ăn ngoài đổi gió... Dù đối tượng khách đa dạng hơn, thu nhập cao hơn nhưng bà Nhung và nhiều chủ quán khác đều quyết định không thay đổi nhiều về giá bán.

IMG_0599-8f396
Những bát bún ốc được nấu theo kiểu truyền thống, chỉ gồm bún, ốc và nước dùng có sẵn dấm bỗng, ớt bột và mắm tôm, khách chỉ cần ăn kèm rau sống và chẳng cần nêm nếm thêm bất cứ thứ gì khác.

"Mọi người ở đây cứ nhìn nhau mà bán. Chất lượng, giá cả nhìn chung gần tương đương nhau. Lâu năm nhất là quán bún chả kẹp qua ngay đầu chợ. Quán ý chắc cũng ngót 60-70 năm. Tôi mở sau thì giá cả cũng nhìn đó mà bán, chẳng có món nào quá 30.000 đồng cả, khách có thêm nếm, gia giảm thì cùng lắm cũng chỉ lên 35.000 đồng/suất ăn", bà Nhung nói.


IMG_0603-8f396


IMG_0591-8f396

IMG_0593-8f396
Những món nộm bò khô, bánh bột lọc giá rẻ mà ngon mắt, hấp dẫn ở ngõ Chợ Đồng Xuân.

Các ki-ốt ở đây cũng giống như một nhà hàng thu nhỏ. Ngoài những món chính, các quầy hàng đều bán thêm rất nhiều món phụ khác. Như bà Nhung, ngoài bún chả, bún ốc riêu, bà còn bán thêm bún ốc chuối đậu và nem cua bể.

Tương tự, chị Đỗ Thanh Hằng, chủ quán bánh bột lọc ở đây cho biết: "Quán nhà tôi truyền từ chị cả sang tôi là em út, kinh doanh cũng gần 30 năm nhưng giá cả chẳng mấy biến động. Bánh bột lọc một đĩa đầy đặn cũng vẫn 20.000 đồng/chiếc".

Tuy nhiên, theo chị Nhung, giá cả chỉ là một yếu tố rất nhỏ thu hút thực khách. "Cái chính là đồ ăn ngon, không gian dù nhỏ nhưng vẫn thoáng sạch và cảm giác ngồi trong ngõ nhỏ yên tĩnh mới là những yếu tố thu hút thực khách".

Ngõ Xưởng Phim

Không sôi động bằng ngõ Chợ Đồng xuân nhưng Xưởng Phim cũng là cái tên khiến nhiều tín đồ nghiền ăn vặt phải lưu tâm. Đồ ăn ở đây bao gồm đủ loại, từ nem lụi, khoai, nem chua rán cho đến các món ốc, lẩu nướng.

Thức ăn đa dạng song đông khách nhất vẫn phải kể đến quán ốc của chị Thủy với thâm niên gần 20 năm kinh doanh ở đây. "Mẹ chồng tôi tên là Bốn. Tôi theo bà học nghề làm ốc rồi buôn bán kiếm kế sinh nhai cũng đã gần chục năm. Trước đó thì mẹ tôi bán quán này cũng lại gần cả chục năm nữa. Cộng lại thành ra cũng lâu lâu", chị Thủy nói.

IMG_0561-8f396
Quán ốc nóng vỉa hè của gia đình chị Thủy, khách đến ăn đều phải ngồi ngoài trời, bàn ghế kê san sát với không gian khá huyên náo.

IMG_0546-8f396
Chị Thủy đang mải kiểm lại tiền trước khi quán ăn vào giờ cao điểm nhất trong ngày, từ 6-7h tối.

IMG_0548-8f396

IMG_0550-8f396

IMG_0551-8f396
Nguyên liệu ngao, sò, ốc sạch sẽ của quán.

IMG_0562-8f396

IMG_0566-8f396
Thành phẩm là những bát ốc, ngao nóng thơm ngon, nghi ngút khói

IMG_0568-8f396
Bát nước chấm chua ngọt bắt mắt và được chị Thủy nâng niu như một bí kíp riêng.

Theo lời chủ quán, ốc ở Xưởng Phim nổi tiếng ngon và rẻ. Một bát ốc đầy đặn, bất kể to nhỏ, lẫn lộn, xào hay luộc, đều không quá 40.000 đồng, ốc vặn luộc giá chỉ 25.000 đồng.

"Mình bán ở đây đầu tiên, ngày xưa hồi năm 2007 thì đông khách lắm. Bây giờ quán sá mở ra nhiều, chỉ trong khoảng vài trăm mét mà hàng ăn ri rít nên cũng bị san sẻ bớt. Thành ra ngày nào đông nhất cũng chỉ đón được 200-300 lượt khách".

Chị Thủy cho biết, ốc luộc quan trọng nhất là ở khâu pha nước chấm. "Mẹ chồng mình cũng có cách pha nước chấm chua ngọt hay lắm. Bà chỉ dạy cho mình tôi. Thêm nữa là bà có cách luộc ốc độc đáo là cho nước chấm ngay từ nước luộc, đợi nước sôi rồi mới thả ốc. Làm như vậy, thịt ốc bao giờ cũng giòn và rất đượm mùi, đậm vị"

Khu "tam giác vàng" ăn vặt ở Bách Khoa - Kinh tế Quốc dân

Khu "tam giác vàng" này trải rộng xung quanh trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Bách Khoa, kéo dài suốt một vùng quanh các con phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Giải Phóng. Trên các phố lớn, đồ ăn nhiều và cũng tương đối rẻ nhưng không thể so sánh bằng các "thiên đường" nằm sâu trong ngõ hẻm. Và, khu vực ngõ Tự Do, quanh khu tập thể Kinh tế Quốc dân là một ví dụ tiêu biểu.

Ông Ngô Thanh Sơn (80 tuổi) cho biết, gia đình ông đã kinh doanh bánh gối, bánh mỳ kẹp, bún chả ở khu vực gần ĐH Bách Khoa này ngót nghét hơn 20 năm. "Trước kia hàng quán cũng chưa rôm rả như bây giờ. Sinh viên đông nên nhu cầu ăn uống nhiều, thế là hàng quán cũng lũ lượt mở ra mà chỗ nào cũng kín khách. Gia đình tôi còn mới mở thêm cả cơ sở mới để phục vụ khách nữa đấy", ông Sơn tự hào khoe.

IMG_0626-f8baa
Không gian nhỏ trong ngõ Tự Do...

IMG_0648-f8baa
Với những hàng quán san sát nhau.

Ông cho biết, 20 năm làm ăn, mục tiêu của ông hướng đến chỉ là phục vụ tầng lớp sinh viên. "Tôi bán đồ ăn ở đây, chẳng có cái gì vượt quá 20.000 đồng. Có thứ như bánh bao, bánh gối chỉ khoảng 7.000-8.000 đồng/chiếc. Cái gì cũng ngon, cũng rẻ nên sinh viên yêu quý lắm".

Theo ông, bán giá rẻ đồng nghĩa với việc bản thân ông phải chịu nhiều thiệt thòi. "Tôi bán đông khách lắm, nhưng lời thì ít. Mình lấy số lượng bù chất lượng để sống qua ngày thôi".

IMG_0663-f8baa
Những bạn trẻ vui vẻ ngồi ăn vặt sau khi đã tan giờ học.

IMG_0665-f8baa

IMG_0666-f8baa

IMG_0671-f8baa
Quán ăn của ông Sơn nổi tiếng với món bánh mỳ kẹp giá 10.000 đồng nhưng có đầy đủ thịt nướng, chả, giò lụa, trứng rán, bò khô, các loại rau củ, pa tê...

Ông nói thêm: "Niềm vui lớn nhất của tôi là được đồng hành với các bạn sinh viên. Đã qua bao nhiêu thế hệ, nhiều người ra trường, có gia đình rồi vẫn quay lại quán tôi ăn và kể ngày xưa hết tiền mà ngại nấu cơm, toàn đi ăn bánh mỳ kẹp đầy đủ thịt, chả trứng... ở quán tôi trừ cơm. Giây phút ấy tôi vừa vui vừa cảm động rớt nước mắt".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày