Sách dịch chứa ngôn ngữ tục tĩu vì "phù hợp với văn cảnh"

DL, Theo Trí Thức Trẻ 14:17 18/04/2013

Đại diện công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam cho rằng, sử dụng ngôn ngữ dịch như vậy là hợp với văn cảnh.

Sau khi nhận thông tin phản ánh của độc giả về tập truyện ngắn “Những thứ họ mang” - nguyên tác của tác giả Tim O'Brien - do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn Học phối hợp phát hành ngày 29/4/2011, có chứa một số câu từ thô tục, chúng tôi đã liên hệ với Ban biên tập Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam để làm rõ thông tin trên.

Trong phần nội dung truyện ngắn “Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh” trong cuốn sách trên, tại dòng 9 – 10 trang 95, có câu văn: “Con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời” (các dấu * thay thế cho từ ngữ tục tĩu trong câu văn – PV). 

Đại diện Ban biên tập Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam cho hay, đơn vị này đã nắm được sự việc trên. Một số độc giả có phản hồi trên Fanpage của Nhã Nam cũng như gửi phản hồi trực tiếp về việc xuất hiện ngôn ngữ thô tục trong ấn phẩm. Nhã Nam cũng đã giải thích cặn kẽ những thắc mắc của độc giả về vấn đề này.

Sách dịch chứa ngôn ngữ tục tĩu vì "phù hợp với văn cảnh" 1
Ảnh bìa tập truyện ngắn "Những thứ họ mang"

Về việc sử dụng công khai công khai những từ ngữ thô tục trong xuất bản phẩm của mình, phía Nhã Nam lý giải: Nếu độc giả chỉ đọc mỗi trang 95 thì thấy sự xuất hiện của những từ ngữ thô tục là không phù hợp. Về từ "cooze" trong nguyên tác tiếng Anh, bất cứ từ điển nào cũng xác định đây là từ tục, không phải uyển ngữ. Tuy nhiên, xét vào văn cảnh chung của cuốn sách thì những ngôn ngữ dịch đó được cho là phù hợp. Văn cảnh và nội dung của cuốn sách không đòi hỏi một uyển ngữ hoặc nói tránh.

Đại diện Ban biên tập Công ty văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng dẫn chứng một đoạn văn trong tập truyện để làm rõ điều này:“Vì vậy quy tắc đầu tiên là: bạn chỉ có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh bằng cách trung thành tuyệt đối với cái ác và với sự tục tằn. Hãy nghe Chuột Kiley mà xem. Con mặt l**, hắn nói. Hắn không nói con đĩ chó. Hắn chắc chắn là không nói bà ấy, hay cô ấy. Hắn nói con mặt l**. ... Bạn có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh nếu nó làm bạn lúng túng. Nếu bạn không cần sự tục tằn, bạn không cần sự thực; nếu bạn không cần sự thực, hãy dè chừng xem bạn đang bỏ phiếu cho ai. Cứ cho đám thanh niên đi đánh nhau, khi trở về tụi nó toàn ăn nói tục tằn”.

Sách dịch chứa ngôn ngữ tục tĩu vì "phù hợp với văn cảnh" 2
Ngôn ngữ thô tục xuất hiện trong tập truyện

Tuy về phía nhà sách giải thích như thế, tuy nhiên trong một vài ngày qua, những ngôn từ này cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội. 

Nhiều độc giả không đồng tình với cách sử dụng những ngôn từ này trong một tác phẩm văn học. Những từ ngữ không phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ ảnh hưởng đến tam lý của người đọc. Một độc giả lo ngại: “Những ngôn từ như thế này xuất hiện trong tác phẩm văn học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các độc giả trẻ tuổi, khi mà sách không hề giới hạn độ tuổi độc giả có thể tiếp cận nội dung của nó."

Độc giả Nguyen Huyen cho rằng: “Dịch sát nghĩa là tốt nhưng không có nghĩa là dịch trần trụi ra như vậy, cần dịch sao cho phù hợp văn hóa ngôn ngữ đích và đối tượng độc giả”.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến đồng tình ủng hộ cách dịch của dịch giả. Nhiều độc giả cho rằng, đây là một tác phẩm văn học dịch, nên việc dịch giả và ban biên tập tôn trọng nguyên tác, giữ đúng ý đố của tác giả là điều hợp lý. Một độc giả đã từng đọc nguyên tác của truyện ngắn này chia sẻ: “Cuốn sách bản Tiếng Anh mình đọc cũng toàn từ ngữ như vậy thôi. Nó phản ánh chân thật cảm giác của người lính trong chiến tranh. Nếu dịch theo những từ ngữ "quá trong sáng" thì người đọc sẽ không hiểu được trọn vẹn cảm giác hoảng loạn và sợ hãi của người lính”.

Độc giả An Nguyen cũng có những đồng cảm với cuốn truyện: “Không hẳn là tác giả dịch sai, nhưng mà theo ngôn ngữ Việt thì là dịch quá sát nghĩa nên đâm ra hơi tục. Nhưng có lẽ vì dịch giả không muốn làm mất đi ngôn từ chính xác từ bản gốc nên mới dịch như thế”.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày