"Tôi yêu Sài Gòn vì thành phố này luôn bao dung với người dân tứ xứ"

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 10:29 02/05/2015

"Sống ở Sài Gòn, dù bạn nói tiếng Quảng Nam, Nghệ An, Hà Nội... cũng không ai có thái độ phân biệt hay kỳ thị vùng miền. Đó là điều khiến tôi yêu quý mảnh đất này", anh Phan Khắc Huy, người khởi tạo "Lớp học 1 tô" nổi tiếng Sài Gòn, cho biết.

"Lớp học 1 tô" của anh Phan Khắc Huy (SN 1987, quê gốc Tiền Giang, SV ĐH Y dược TP.HCM) chính thức mở cửa từ tháng 5/2013. Ban đầu, học phí chỉ với 20.000 đồng, giá bằng 1 tô hủ tiếu, được tổ chức ở Thư quán Cội Việt trên đường Tăng Bạt Hổ, Quận Bình Thạnh. Các học viên khi đến lớp sẽ được học về các kiến thức lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, trong đó 70% là những bài học về Sài Gòn, những nét đẹp văn hóa, di sản của Sài Gòn từ xưa đến nay.


Lớp học giá chỉ bằng 1 tô hủ tiếu thu hút nhiều người đến tham gia đủ mọi thành phần từ kỹ sư, bác sĩ, đến những sinh viên ngành xã hội nhân văn, ngành kiến trúc...

Đến đầu năm 2015, hơn 60 lớp học với mọi chuyên đề thành chùm như Hòn ngọc viễn Đông, người Hoa ở Sài Gòn, Nam Kỳ lục tỉnh... đã được mở ra. Những buổi học đã gửi gắm đủ đầy tất cả kiến thức mà anh muốn phổ biến cho mọi người, nên anh Huy tạm dừng hình thức mở Lớp học 1 tô theo kiểu cũ mà chuyển sang hình thức mới, với chi phí cao hơn để có thể duy trì được một lớp học chuyên sâu, đủ đầy hơn nữa.

"Sắp tới, tôi sẽ mở những khóa học ngắn, sẽ có 1 chuỗi lớp học 1 tô khác, không tổ chức ở Thư quán Cội Việt như mọi năm mà các bạn sẽ được học tại vườn rau cộng đồng, để hòa mình với thiên nhiên cùng những bài giảng thiết thực hơn", anh Huy cho biết.

 
Hình ảnh tại Lớp học 1 tô vào cuối năm 2013, khi các học viên là những bạn thực tập sinh quốc tế của AIESEC FTU. Các bạn đến tìm hiểu chuyên đề đặc biệt về Văn hóa Nam Bộ.

Anh Khắc Huy từ Tiền Giang lên Sài Gòn để học tập và làm việc đã được 11 năm. Nhưng những kiến thức về Sài Gòn mà anh có được lại nhiều hơn những người sinh sống từ nhỏ ở Sài Gòn. Đó là lý do vì sao trong lớp học của anh có rất nhiều bạn trẻ là người Sài Gòn nhưng vẫn phải đi học để hiểu hơn về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Đặc biệt là những giá trị, những câu chuyện về văn hóa, lịch sử Sài Gòn.

"11 năm trước, lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, tôi chỉ thấy sao thành phố này rộng lớn quá. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại cảm nhận văn hóa, con người ở Sài Gòn thật sự rất hay và kích thích tôi tìm hiểu về vùng đất này. Tôi nghĩ, mình sống ở đâu thì phải biết rõ về nơi ấy", anh Huy chia sẻ.


Tham khảo và mượn sách có liên quan đến chủ đề được học cũng là một hoạt động được các bạn trẻ yêu thích khi đến với Lớp học 1 tô.

Yêu thích văn hóa lịch sử từ bé, Huy dành hầu hết thời gian để tự đọc sách, nghiên cứu. Năm 2011, Huy nảy ra ý định thực hiện một tạp chí online về văn hóa lịch sử để chia sẻ các kiến thức tích lũy đến mọi người.  Tự mình lên nội dung, tập hợp các bài viết, thậm chí tự viết rồi chụp ảnh, thiết kế từng trang tạp chí, 14 kỳ tạp chí đã được Huy cho ra đời với đầy đặn kiến thức trong nhiều chủ đề khác nhau, từ “Ngày ấy đâu rồi” về những trò chơi con trẻ của thời xa xưa đến “Sài Gòn ăn rong”, rồi “Mê tết” đậm đà phong vị dân tộc. Bí chỗ nào, Huy đánh bạo tìm và xin được phỏng vấn các chuyên gia trong ngành như giáo sư Trần Văn Khê, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu.


Anh Khắc Huy dành hầu hết thời gian để đọc sách, nghiên cứu lịch sử. Ngoài ra, anh cũng chủ động đi, khám phá, trải nghiệm mọi ngõ ngách, hẻm nhỏ ở Sài Gòn để tìm ra những câu chuyện hay về con người, cuộc sống ở đấy.

Trò chuyện với anh Huy mới thấy, anh có một bề dày kiến thức được tích lũy từ lâu mà không phải ai cũng có được. Anh kể về lần đầu tiên lên Sài Gòn, anh thích con đường Trần Hưng Đạo (Quận 1) vì hai hàng cây đẹp quá, anh kể về ước muốn có một căn nhà ở Sài Gòn thì anh muốn nhà ở quận Phú Nhuận vì theo anh đó là quận đáng sống nhất ở nội thành TP.HCM.

"Quận Phú Nhuận là vùng đất cao, không ngập khi mưa lớn, dân cư ổn định, nhà cửa khang trang, không quá xô bồ cũng không quá "sang chảnh". Ngày xưa các bậc danh tướng khi chọn đất chôn đều chọn Phú Nhuận, đặc biệt là khu vực ở phường 8,9, 11...",
anh nói.

Qua nhiều năm, Sài Gòn đã thay đổi ít nhiều, một vài hàng cây, công trình bị hủy bỏ, đó là điều khiến anh Huy tiếc nuối nhất. Tuy nhiên, theo anh, dù xã hội, đô thị phát triển hay thay đổi thế nào, duy chỉ có một điều mà từ nhiều năm nay Sài Gòn luôn giữ lại, đó là thành phố này luôn dang rộng vòng tay đón người dân từ tất cả vùng miền khác nhau đến sinh sống, lập nghiệp. Có lẽ vì thế mà người ta mới có câu "Sài Gòn không cần nhập tịch", bởi khi bạn đến thành phố này, bạn sẽ được đối xử như một người Sài Gòn. Người ta không còn biết bạn nói tiếng Quảng Nam, Nghệ An hay Hà Nội, bạn không bị phân biệt đối xử vùng miền. Người giàu có thể chạy xe đạp, người nghèo ăn mặc như thế nào, cũng không ai phán xét.



"Tôi gọi Sài Gòn là "miền đất hứa" vì lẽ đó. Có rất nhiều người đến Sài Gòn nhập cư, mỗi người đến mang theo những nét văn hóa riêng của vùng miền quê hương họ. Điều ngạc nhiên là những dòng văn hóa đó không xung đột mà hòa nhập vào nhau, tạo nên một văn hóa Sài Gòn đầy bao dung, nghĩa tình và đa dạng màu sắc", anh Huy chia sẻ.

Tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM, nhưng anh Huy lại yêu thích công việc nghiên cứu văn hóa và lịch sử của Sài Gòn hơn. Thời gian rảnh, nếu không đọc sách, tìm tài liệu, thì anh sẽ đi dạo khắp các con đường ngõ hẻm ở Sài Gòn, anh bắt chuyện với những người dân trên phố, từ người lao động, công nhân, người bán báo, bán hàng dạo, hay bác xe ôm đã qua tuổi ngũ tuần...

Anh nói: "Mỗi người mà tôi trò chuyện đều có một câu chuyện, kỷ niệm rất hay về Sài Gòn, cũng vì qua những câu chuyện như thế, tôi càng thấy yêu mảnh đất này hơn và muốn truyền cảm hứng, truyền tình yêu này cho những người sinh sống ở đây, bất kể họ đến từ phương nào, tôi cũng muốn họ biết rằng Sài Gòn đáng yêu và bao dung cho tất cả mọi người".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày