Trộm vào nhà, nếu không may đánh chết trộm thì có phạm tội không?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 12:24 09/12/2015

"Pháp luật cho phép nạn nhân có thể khống chế tội phạm, tước đoạt vũ khí hoặc đánh ngất chúng. Tuy nhiên, việc đề cao quyền chống trả không có nghĩa là chúng ta được đánh chết hay gây ra thương tích quá lớn đối với tội phạm" - luật sư Huy An phân tích.

Thời gian gần đây, những vụ án mạng thương tâm do tội phạm trộm cắp gây ra ngày càng có mức độ nghiêm trọng và tần suất thường xuyên hơn. Mới đây nhất là vụ trộm đột nhập vào nhà sát hại 4 người trong một gia đình, khiến 2 bố con tử vong ở Thạch Thất (Hà Nội) vào sáng ngày 7/12 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Việc chống trả lại những tên trộm như thế nào, phòng vệ ở mức độ nào là đúng với quy định của pháp luật vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình là câu hỏi mà nhiều người muốn có lời giải đáp.

Tội phạm thường không có chủ đích giết người nhưng chúng lại luôn ở trong tâm thế sẵn sàng làm điều này.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy An (văn phòng luật sư Huy An, Hà Nội) cho rằng, chúng ta chỉ nên kháng cự trộm khi rơi vào các tình huống sau: 

- Thứ nhất là chỉ nên kháng cự lại kẻ trộm khi đã nắm rõ tình hình và nhận thấy khả năng chiến thắng nhiều hơn. 

- Thứ hai là khi bị dồn vào đường cùng, không còn cách tẩu thoát. 

 Mới đây, một vụ án mạng thương tâm do tội phạm trộm gây ra tại Thạch Thất, Hà Nội. Hai cha con tử vong trong khi vật lộn chống trả lại tên trộm đột nhập vào nhà.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta được pháp luật cho phép chống trả ở các mức độ khác nhau. "Nhà, tiền bạc, tài sản của nạn nhân cũng là những thứ bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì thế khi bị người khác tước đoạt, bạn có thể chống trả và kháng cự. Điều này đã được quy định rất rõ trong luật bảo vệ tài sản, điều 9, Bộ luật dân sự hiện hành".

 Tội phạm trộm cắp thường chú trọng đến tài sản. Vì thế mục đích giết người chỉ là thứ phát sinh trong quá trình gây án. 

Ðiều 169 Bộ luật Dân sự cũng có quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền sở hữu: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

Luật sư An phân tích, nếu tội phạm trộm cắp có dấu hiệu xâm hại đến tính mạng, nạn nhân có thể thực hiện quyền bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe đã được quy định tại luật hình sự.

"Pháp luật cho phép nạn nhân có thể khống chế tội phạm, tước đoạt vũ khí hoặc đánh ngất chúng. Tuy nhiên, việc đề cao quyền chống trả không có nghĩa là chúng ta được đánh chết, đánh tập thể hay gây ra thương tích quá lớn đối với tội phạm. Tùy vào từng trường hợp, pháp luật sẽ có phán xét cụ thể nhưng chúng ta không nên vượt qua ngưỡng an toàn mà luật pháp cho phép", ông An nói.

Trong trường hợp không may hành động chống trả của bạn vượt ngưỡng dẫn đến hậu quả chết người, dù việc này nằm ngoài ý muốn chủ quan, vượt qua khỏi giới hạn phòng vệ chính đáng, nạn nhân vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Khoản 1 Điều 96 – Bộ luật hình sự quy định: "Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày