Vùng biển ca nô bị chìm là khu vực "chết chóc"

Infonet, Theo 08:58 06/08/2013

"Khu vực ca nô chìm rất nguy hiểm, những ngư dân đánh cá thông thạo nhất cũng phải tránh, tàu thuyền cho dù lớn đến đâu đi vào vùng biển đó cũng gặp nạn".

Sau 5 ngày xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng chìm ca nô ở Cần Giờ (TP.HCM), các cơ quan chức năng của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành công tác trục vớt thi thể các nạn nhân và đang điều tra, khởi tố vụ án này.

Bài học đau xót từ lỗ hổng quản lý

Hiện 21 hành khách thoát chết trên chiếc ca nô H29-BP sức khỏe hoàn toàn bình phục, đã được xuất viện. Công tác tìm kiếm 9 thi thể mất tích hoàn tất, bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng.

Đến nay, các cơ quan chức năng của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp điều tra trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ đắm ca nô này. Hiện nguyên nhân vụ việc đang từng bước được điều tra, nhưng từ những thông tin ban đầu cho thấy có nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý và nhiều bài học đau xót được rút ra từ vụ tai nạn này.

Vùng biển ca nô bị chìm là khu vực "chết chóc" 1
Các cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án chìm ca nô khiến 9 người chết tại Cần Giờ (TP.HCM).

Bài học đầu tiên là sự chủ quan vô trách nhiệm của cả người chủ và người thuê, người điều khiển. Theo thông tin ban đầu, chiếc ca nô tối đa chở được 12 người, nhưng tổng số người có mặt khi gặp sự cố lên đến 30.

Các cơ quan chức năng địa phương cũng nhận định người cầm lái ca nô và phụ lái không thông thạo luồng lạch khu vực này. Sự chủ quan đã khiến lái tàu và tổ máy bối rối khi gặp sự cố trong thời tiết mưa to gió lớn. Khi ca nô chớm nghiêng, không có ai giữ bình tĩnh cho hành khách, nhiều người đã vội vã rời vị trí nhảy xuống biển.

Anh Nguyễn Văn Dương, thợ máy trên chiếc ca nô, cho biết: “Khi sóng đánh tới ca nô nghiêng từ từ. Thấy vậy tôi đẩy cánh cửa nhảy xuống biển bơi. Sau đó, kêu mọi người nhảy ra để đè ca nô xuống cho khỏi bị ngập nhưng khi mọi người chưa kịp ra thì nó đã chìm rồi”.

Thượng tá Phạm Long Bảo - Đồn trưởng đồn Biên Phòng Long Hòa, H.Cần Giờ - nhận định nguyên nhân ca nô bị đắm là do thuyền trưởng không thông thạo luồng lạch nên đi lạc vào khu vực cồn Ngựa và cồn Thu. Khu vực này rất nguy hiểm, những ngư dân đánh cá thông thạo nhất cũng phải tránh. Tàu thuyền cho dù lớn đến đâu đi vào khu vực đó cũng phải gặp nạn.

Chiều tối ngày 3/8, UBND TP.HCM đã có buổi họp khẩn về vụ tai nạn nghiêm trọng này. Tại đây đã có nhiều nhận định và chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý. Lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị có vai trò kiểm tra ca nô trước khi xuất bến.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đánh giá đây là "thảm họa hàng hải" lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ông Quân chỉ đạo Công an TP.HCM khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành điều tra tai nạn, khởi tố vụ án, xác minh, thẩm định toàn bộ điều kiện chuyên môn liên quan đến ca nô chìm, điều kiện xuất bến, an toàn hàng hải, điều kiện kinh doanh của chủ ca nô, xác định trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định qua kiểm tra cho thấy số áo phao cứu sinh trên tàu không đủ cho số hành khách có mặt trên tàu lúc đó sử dụng. Bộ GTVT yêu cầu làm rõ người lái ca nô có đầy đủ bằng cấp hay không.

Sẽ truy cứu trách nhiệm về vụ ém thông tin ca nô gặp nạn

Trước đó vào chiều 2/8, tàu H29 đón 30 công nhân của công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (PV Pipe) từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi chỉ còn cách mũi Cần Giờ khoảng 10 km, mũi Vũng Tàu khoảng 20km thì ca nô bị lật úp. Hầu hết mọi người bị rớt xuống biển rồi bơi lại bám quanh xác con tàu. Anh Nguyễn Văn Cương (25 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) giữ khô điện thoại di động khi đứng trên tàu nên gọi về công ty, cảnh sát 113 để cầu cứu.

Lúc 19h, một trong những người nhận được điện thoại cầu cứu đầu tiên là ông Hà Ngọc Phước - Giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí. Ông này đã "báo ngay cho ông Sơn - Giám đốc công ty cổ phần Bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina và ông Đảo - giám đốc công ty cổ phần Việt - Sec" vì "đây là 2 đơn vị phối hợp thực hiện hợp đồng vận chuyển". Yên tâm với lời hứa "sẽ cho tàu ra ứng cứu các nạn nhân và báo với cơ quan chức năng" từ 2 ông này, ông Phước đã không báo với bất kỳ cơ quan chức năng nào khác.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ công ty Vũng Tàu Marina nói ông nhận được tin "ca nô đang bị trôi" ở khu vực biển Cần Giờ. Như vậy, sau cú điện thoại cầu cứu của nạn nhân trên chiếc tàu H29-BP, phải mất gần 3 giờ sau những người liên quan và lực lượng chức năng mới xác định được thông tin tàu chìm.

Với những thông tin nói trên, cơ quan chức năng cần làm rõ vì sao thông tin ca nô gặp nguy hiểm ông Tuấn đã biết từ rất sớm nhưng không báo ngay cho cơ quan chức năng? Khi xảy ra tai nạn, người đi trên 2 ca nô cùng hải trình biết tọa độ tai nạn nhưng sao không báo ngay cho cơ quan cứu nạn mà đến 22h5 mới báo? Những số “máy lạ” nhắn tin cho ông Tuấn là của ai? Vì sao 2 ca nô cùng hải trình thấy tai nạn không tổ chức cứu người?

Chiều 5/8, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết: "Sẽ đề nghị cơ quan chức năng gặp anh Nguyễn Ngọc Tuấn để điều tra thêm thông tin người này biết vụ ca nô bị nạn nhưng cố tình chậm trễ trong việc báo tin cho các cơ quan chức năng. Sau khi có kết quả điều tra nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì chúng tôi sẽ chuyển qua cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra theo thẩm quyền”.