Liệu DJ có phải là “một cái nghề”?

., Theo Mask Online 13:30 27/08/2014

Trong những năm gần đây, các lễ hội âm nhạc điện tử (EDM) ngày càng phát triển và trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam. Và linh hồn của các đại nhạc hội EDM, chính là các DJ, những phù thủy âm nhạc.

Các DJ hàng đầu Việt Nam đang trên con đường tiến tới đẳng cấp quốc tế, với lượng người hâm mộ không thua kém bất cứ ngôi sao ca nhạc nào. Thế nhưng, sự thật đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó là gì?

Phía sau ánh hào quang của những siêu show

Bên cạnh những lễ hội Tomorrowland, Ultra Music “đỉnh” nhất Thế giới, Việt Nam cũng dần cho ra đời các lễ hội EDM đẳng cấp với quy mô không kém phần hoành tráng như Escape Party, I Am Hardwell… Theo đà phát triển của ngành công nghiệp giải trí thế giới, Các lễ hội EDM ở Việt Nam có lượng fan đông đảo chính là giới trẻ, những người nhạy cảm với xu hướng mới. Bên cạnh việc dàn dựng công phu, sử dụng các chiêu trò để hút fan, thì phần biểu diễn của các DJ chính là linh hồn của các bữa tiệc âm nhạc.

Dưới sự thưởng thức, cổ vũ và ngưỡng mộ của hàng chục ngàn người, những tưởng các DJ cũng sẽ có thu nhập cao ngất ngưỡng, được săn đón và chiều chuộng như các ngôi sao. Nhưng sự thật có thể không như những gì bạn tưởng.

Khi các phóng viên nghệ thuật và giải trí vào cuộc tìm hiểu về lễ hội Escape Party – lễ hội âm nhạc EDM có thể nói là "đỉnh" nhất ở Việt Nam hiện nay, những sự thật bất ngờ đã được tiết lộ. Các DJ – Những người giữ hồn cho các đại nhạc hội EDM như Escape Party cho biết: “Cho dù các DJ chúng tôi không có lượng fan nhiều như các ngôi sao ca nhạc, nhưng BTC các chương trình chỉ cần chi ra mức cát-xê “quốc nội” cho một DJ thì 10 DJs một show EDM cũng có một lượng fan nhất định. Escape hiện đang là một trong những lễ hội âm nhạc EDM lớn thu hút nhiều giới trẻ yêu thích các hoạt động âm nhạc ngoài trời. Nhưng ở lễ hội đỉnh cao này, chúng tôi vẫn chưa có được mức thu nhập “khủng” như mọi người vẫn nghĩ”. Sau ý kiến này, các fan cuồng của DJ Việt đã “mủi lòng” và “tủi thân” cho các thần tượng của mình sao cát-xê quá bèo bọt, và hy vọng sự cải thiện hợp lí hơn trong tương lai gần.

 
 

“Sự thật” nghề DJ quốc nội

DJ quốc tế Afrojack

Nếu như trên thế giới, những DJ nổi tiếng được trả cát-xê và hưởng các đặc quyền không thua kém gì các ngôi sao tên tuổi trong lĩnh vực ca hát và điện ảnh. Top 10 DJ thế giới như Afrojack khi sang Việt Nam biểu diễn vào tháng 5 vừa qua dễ dàng “đút túi” 3 tỷ đồng chỉ với hơn 1 giờ biểu diễn. Sắp tới, DJ số 1 Thế Giới – Hardwell chi ra để mời anh này đến hơn 6 tỷ theo một số nguồn thông tin đáng tin cậy. Với hai minh chứng này nghề DJ hiện tại đang rất hot và kiếm sống dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế tất cả những điều này chỉ đúng với các DJ nước ngoài sang nước ta còn những DJ trong nước vẫn đang còn thiệt thòi và chưa được công chúng nhìn nhận như các nghệ sỹ thực thụ?

 
DJ Thúy Khanh

Trong định nghĩa của nhiều người Việt, DJ chỉ đơn thuần là các anh chàng hầm hố đứng chỉnh nhạc hay các cô nàng ăn mặc hở hang để thu hút khách trong các vũ trường ồn ào, phức tạp, thậm chí chơi nhạc cho các quán trà chanh chém gió đường phố. Cát-xê của một DJ hàng Top Việt Nam cũng chỉ bằng một ca sỹ hạng B của VPop trong khi công sức và sự tìm tòi học hỏi của họ bỏ ra chẳng thua kém một người nghệ sỹ nào. Nhiều khán giả trong một lễ hội âm nhạc vừa diễn ra tại Trung Tâm Triển Lãm SECC cho biết rằng hiệu ứng “đốt cháy người chơi’ của Afrojack so với các DJ Việt Nam không nhiều khoảng cách, các DJ Việt Nam đã thực sự dẫn dắt và là nóng không khí đến cực độ, vậy tại sao chúng ta lại chưa có sự công nhận và trả công xứng đáng các DJ trong nước.

Phải chăng do ý thức của công chúng về nghề này còn quá mới, chưa có một sân chơi thực sự hay nên chăng nghề DJ ở Việt Nam cần có những người dẫn dắt và kiến tạo một lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp thì mới có thể nâng tầm vị trí DJ so với mặt bằng chung của làng giải trí trong khu vực. Các DJ “quốc nội” cần vững vàng để tôi rèn kỹ năng xứng đáng là những “phù thuỷ giữ hồn cuộc chơi” vì trước sau gì “lịch sử DJ Việt cũng sẽ sang trang”.