13 năm thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản

Đàm Linh (Theo AP News, Japantimes), Theo VTV News 22:54 11/03/2024

Hôm nay, đánh dấu tròn 13 năm xảy ra trận động đất, sóng thần tại các tỉnh vùng Đông Bắc Nhật Bản khiến hơn 22.000 người thiệt mạng và gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ.

13 năm thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản - Ảnh 1.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân trong trận động đất, sóng thần tại các tỉnh vùng Đông Bắc Nhật Bản năm 2011. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay đã tham dự một buổi lễ tưởng niệm do chính quyền tỉnh Fukushima chủ trì.

Chính phủ Nhật Bản đã dừng tổ chức các buổi lễ tưởng niệm tại Tokyo từ năm 2022 nhưng đến nay những địa phương bị ảnh hưởng vẫn tổ chức các sự kiện này hằng năm với quy mô nhỏ hơn nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của thảm hoạ, cũng như nhắc nhở mọi người về nỗ lực phòng chống thiên tai.

Số liệu mới nhất do Cơ quan Cảnh sát quốc gia công bố ngày 8/3 cho thấy tính đến cuối tháng 2, số người thiệt mạng do thảm họa trên là 15.900 người trong khi 2.520 người mất tích. Đa số nạn nhân ở các tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate. Theo Cơ quan Tái thiết, tính đến tháng 12/2023, số người tử vong do liên quan đến thảm họa, như bệnh tật hoặc tự tử do căng thẳng, là 3.802 người.

13 năm thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản - Ảnh 2.

Thảm họa xảy ra tại Fukushima là trận động đất lớn nhất trong lịch sử 140 năm qua tại Nhật Bản. (Ảnh: AP)

Nhà chức trách tiếp tục áp đặt khu vực cấm đi lại gần nhà máy hạt nhân Fukushima và dự kiến dỡ bỏ vào khoảng năm 2041 - 2051. Bảy khu vực đô thị tại tỉnh Fukushima vẫn bị cấm được lui tới do nhiễm phóng xạ. Số người sơ tán giảm so với mức đỉnh điểm 470.000 người nhờ cơ sở hạ tầng được tái thiết.

Hoạt động đánh bắt cá ở Fukushima bắt đầu trở lại hoạt động bình thường vào năm 2021, tuy nhiên sản lượng đánh bắt tại địa phương hiện chỉ bằng 1/5 mức trước khi thảm họa xảy ra do số lượng ngư dân sụt giảm và quy mô đánh bắt nhỏ hơn. Chính phủ Nhật đã dành 10 tỷ Yen (680 triệu USD) để hỗ trợ nghề đánh bắt cá ở Fukushima.

13 năm thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản - Ảnh 3.

Người dân vẫn chưa thể quên được những nỗi đau do thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 gây ra. (Ảnh: AP)

Chính phủ Nhật đã kiên định với mục tiêu ban đầu hoàn thành tái thiết toàn bộ những vùng bị thảm họa tàn phá vào năm 2051, tuy nhiên trên thực tế chưa có gì đảm bảo để kế hoạch đó diễn ra suôn sẻ. Quá trình phục hồi sau trận động đất đã tiến triển trong những năm qua, nhưng cuộc sống của gần 29.000 người phải sơ tán vẫn chưa thể trở lại bình thường. Công tác làm sạch khu tổ hợp hạt nhân Fukushima Daiichi dự kiến kéo dài nhiều năm nữa.

Theo giám đốc công ty tháo dỡ TEPCO, Akira Ono, việc thiếu dữ liệu, công nghệ và kế hoạch về những việc cần phải làm kết hợp với việc nhiên liệu phóng xạ và chất thải hạt nhân vẫn tồn tại khác khiến quá trình dọn dẹp vẫn vô cùng khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, một kế hoạch quá tham vọng có thể dẫn đến việc các công nhân bị tiếp xúc với bức xạ không cần thiết và gây thiệt hại quá mức cho môi trường.