6 sai lầm khi bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa dịp Tết dễ gây ngộ độc được chuyên gia cảnh báo

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 07/02/2024

Tết Nguyên đán là thời điểm dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bác sĩ Ouyang Wenting, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoa Liên Tzu Chi (Trung Quốc) cho biết: “Ngộ độc thực phẩm hay rượu bia là vấn đề không mới nhưng không bao giờ cũ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán”.

Bởi thói quen ăn uống vào thời điểm này có nhiều thay đổi, nấu nướng nhiều, thực phẩm tích trữ nhiều, đồ ăn thừa từ các bữa cũng dồn lại từ ngày này qua ngày khác. Vì vậy, để tránh ngộ độc thực phẩm và các vấn đề sức khỏe khác, bà cảnh báo 6 sai lầm phổ biến cần tránh trong bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa dịp Tết như sau:

1. Rã đông thịt nhiều lần

Các loại thịt là thực phẩm không thể thiếu trong dịp Tết. Vì vậy, việc mua nhiều thịt rồi bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh là rất phổ biến. Nhưng theo bác sĩ Ouyang Wenting, hầu hết các gia đình đều mắc phải ít nhất một sai lầm khi rã đông thịt, nhất là trong lúc lễ Tết bận rộn.

6 sai lầm khi bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa dịp Tết dễ gây ngộ độc được chuyên gia cảnh báo - Ảnh 1.

Rã đông hay cấp đông thực phẩm nhiều lần đều tiềm ẩn nguy cơ tăng lượng vi khuẩn xâm nhập (Ảnh minh họa)

“Sai lầm phổ biến nhất khi rã đông thịt là rã đông quá nhiều lần, cấp đông lại thịt sau rã đông vì nấu không hết. Điều này khiến cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, thịt dễ hư hỏng hơn và từ đó làm tăng nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng vi khuẩn sẽ tăng lên theo số lần bạn rã đông thịt, với 4 lần rã đông có thể thể khiến vi khuẩn tăng gấp 15 lần” -  Ouyang Wenting nhắc nhở.

Bà nói thêm rằng, việc rã đông thịt nhiều lần còn làm miếng thịt trông kém hấp dẫn, giảm dinh dưỡng, thay đổi mùi vị. Ngoài ra, còn các sai lầm khác khi ra đông thịt nhiều người mắc như: rã đông thịt bằng nước nóng, rã đông thịt bằng cách đun trên chảo dầu, để thịt rã đông ngoài nhiệt độ phòng quá lâu mới nấu… cũng ảnh hưởng tới dinh dưỡng của thịt và sức khỏe con người.

2. Bảo quản rau xanh lá trong tủ lạnh sai cách

“Hai sai lầm phổ biến khi bảo quản rau xanh lá là cho rau xanh lá vào ngăn đông hoặc bỏ rau vào tủ lạnh khi còn ướt. Bởi vì nhiều người cho rằng rau xanh hỏng hơn nên cần làm đông để giữ được lâu nhất, việc còn một chút nước cũng giúp rau tươi lâu hơn. Trong khi đó, các loại rau có nước rất dễ sinh sôi vi khuẩn, đặc biệt là các loại rau ăn lá có hoạt tính sinh lý cao. Nếu bịt kín quá, nhiều nước cũng dễ bị thối, hư, rụng lá. Để trong tủ đông rất nhanh bị mất chất dinh dưỡng, biến đổi vị và gây hại” - bác sĩ Ouyang Wenting nói.

Theo bà, chúng ta cần làm khô nước trên bề mặt rau lá xanh trước, sau đó cho vào túi đựng thực phẩm chuyên dụng và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Không nên đóng túi kín hoàn toàn vì rau lá xanh cũng cần “thở”. Bạn cũng có thể chọc thủng túi bằng một vài lỗ khí để đảm bảo độ thoáng khí tốt hơn và nhớ là không để rau quá nhiều ngày trong tủ lạnh, nên ăn chúng khi càng tươi càng tốt.

3. Dùng nồi điện để giữ ấm món ăn tới bữa sau

Khi nhắc tới sai lầm trong bảo quản các món ăn đã nấu, bác sĩ Ouyang Wenting cũng đề cập tới việc dùng nồi điện để giữ ấm món ăn tới bữa sau. Bà nói: “Một số người đã quen với việc sử dụng nồi điện để giữ ấm thức ăn cho đến bữa ăn tiếp theo. Nhất là với các loại đồ ăn được nấu bằng nồi cơm điện, nồi nấu chậm hoặc nồi chảo điện có chức năng giữ ấm bên cạnh đun nấu.

6 sai lầm khi bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa dịp Tết dễ gây ngộ độc được chuyên gia cảnh báo - Ảnh 2.

Hâm nóng thức ăn nhiều lần hay dùng nồi điện để giữ ấm liên tục không đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe (Ảnh minh họa)

Điều này có thể nghe tiện lợi và tiết kiệm thời gian, nhất là trong dịp Tết. Nhưng  trên thực tế, các loại nồi điện chỉ có thể giữ ấm ở mức tối đa là 40 - 50 độ. Đây vẫn là khoảng nhiệt độ nguy hiểm, có thể khiến vi khuẩn xâm nhập. Chưa kể, việc làm nóng thức ăn liên tục hoặc nhiều lần, trong thời gian dài dễ khiến chúng biến chất, suy giảm dinh dưỡng, sản sinh ra chất gây hại. Đặc biệt, nhiều người cho thức ăn luôn trong nồi, còn nóng nên không đun lại ở nhiệt độ cao trước khi ăn nên càng nguy hiểm”.

4. Để thức ăn nóng vào tủ lạnh

Dịp Tết sẽ chẳng hiểm gặp tình trạng đồ ăn vừa nấu xong, dọn ra chưa bao lâu hoặc chỉ cúng lễ xong là phải cất vào tủ lạnh. Nhưng cần phải nhớ rằng đây là sai lầm bạn sẽ phải trả giá bằng sức khỏe cả gia đình.

Bác sĩ Ouyang Wenting cảnh báo: “Thói quen này vừa làm giảm dinh dưỡng, có thể gây ngộ độc lại hại cho tủ lạnh, khiến chính món ăn đó và các thực phẩm khác trong tủ lạnh nhanh hư hỏng hơn. Bởi thực phẩm còn nóng đã bị bỏ vào tủ lạnh, gặp nhiệt độ thấp sẽ rất dễ dẫn đến sốc nhiệt, dẫn tới giảm dinh dưỡng và bị biến chất, gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải.

Các món ăn còn nóng, dù nhẹ khi cho vào tủ lạnh sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ đột ngột. Đây là điều kiện rất lý tưởng để hơi nước ngưng tụ trong ngăn mát, khiến nhiều loại vi khuẩn sinh sôi và làm hư hỏng các thức ăn khác. Về lâu dài, tủ lạnh bị ẩm, đọng nước cũng sẽ tạo ra nấm mốc, gây mùi hôi thối khó chịu và tăng nguy cơ bệnh tật cho con người”. Ngoài ra, bà còn nhắc nhở rằng kiểu bảo quản thực phẩm này gây ảnh hưởng gián tiếp đến tuổi thọ tủ lạnh, khiến nó nhanh hỏng hơn.

5. Hâm nóng thức ăn thừa quá nhiều lần

Thức ăn thừa dịp Tết luôn khiến các gia đình phải đau đầu, bởi Tết đến chúng ta nấu nướng, cúng lễ nhiều nhưng lại thường ăn không hết. Vì vậy, các món ăn thừa tích tụ lại và được hâm nóng hết ngày này tới ngày khác.

Theo bác sĩ Ouyang Wenting, tùy vào loại thực phẩm, cách nấu mà số lần có thể hâm nóng hay mức độ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe sau khi hâm nóng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bà nhắc nhở rằng nhìn chung thì chúng ta không nên hâm nóng thức ăn nhiều lần, tốt nhất là chỉ chế biến thức ăn để ăn vừa đủ từng bữa hoặc hâm nóng 1 - 2 lần.

“Việc hâm nóng lại thức ăn thừa sẽ khiến cho thực phẩm bị mất chất, suy giảm dinh dưỡng hoặc thậm chí biến chất và gây độc hại. Nhất là với các món như rau xanh lá, hải sản, nấm, khoai tây, trứng luộc hoặc món hầm. Chúng ta thậm chí không nên để chúng qua đêm, ngay cả khi bảo quản trong hộp kín ở tủ lạnh. Bởi vì chúng rất dễ nhiễm khuẩn, hoặc/và sản sinh ra chất độc hại. Ví dụ như rau xanh lá đậm để qua đêm dễ sinh ra nitrit gây ngộ độc. Hay đun nấu lại các món chiên rán, nướng, xào dễ gây cháy khét, tạo thành aldehyt có thể gây ung thư” - bà giải thích rõ hơn.  

6. Để thực phẩm đã chế biến và chưa chế biến gần nhau

Đây là một trong các sai lầm phổ biến mà nhiều người thường gặp phải khi bảo quản thực phẩm. Nhất là trong dịp Tết khi mà lượng thực phẩm tích trữ quá nhiều nhưng đồ ăn thừa cũng nhiều không kém.

6 sai lầm khi bảo quản thực phẩm, thức ăn thừa dịp Tết dễ gây ngộ độc được chuyên gia cảnh báo - Ảnh 3.

Vào dịp Tết quá nhiều thực phẩm, nhiều gia đình thường mắc sai lầm để chung đồ sống và chín trong tủ lạnh (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, bác sĩ Ouyang Wenting cho biết: “Các loại thực phẩm như rau củ quả chưa được rửa sạch, thịt cá tươi sống chứa rất nhiều vi khuẩn và hiểm hoạ ngộ độc. Khi mua thực phẩm từ chợ về, các loại rau củ quả còn dính nhiều phân thuốc, nhiều các loại chất bẩn từ trong chợ, thịt cá tươi sống chưa chế biến cũng chứa nhiều loại vi khuẩn có hại. Nếu để chung ngăn hoặc gần với các món đã chế biến, sẽ tạo cơ hội để vi khuẩn lây nhiễm chéo. Đồng thời, làm cả hai bị ảnh hưởng tới mùi vị và nhanh hư hỏng hơn”.

Vì vậy, bà khuyến cáo rằng với thực phẩm đã chế biến, bạn cần để nguội, đóng hộp kín rồi sau đó phân riêng khu vực lưu trữ với các thực phẩm chưa chế biến. Việc phân loại rõ ràng sẽ giúp bạn hạn chế tối đa tình trạng nhiễm khuẩn chéo cũng như đảm bảo an toàn khi sử dụng thực phẩm trong dịp Tết hay ngày thường.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, Sohu, QQ