Bảng xếp hạng âm nhạc Việt 2018: Những "méo tròn" khó hiểu

Hồng Quang Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 11/10/2018

Chúng ta ít khi thấy top 10 bảng xếp hạng nào có tới hơn nửa là các ca khúc Under như ở Việt Nam hiện tại.

Âm nhạc Việt từ thời kỳ quá độ, nay tiếp tục "biến hoá" sang một thời kỳ mới, không phải ổn định hơn, mà là thời kỳ đảo lộn của những giá trị nghe, chất lượng thị trường không đồng nhất. Từ đó khán giả không có sự định hướng để hiểu được thứ mình đang nghe đó thực sự là gì?

Khi người nghe phải tự nghe, tự cảm nhận một tác phẩm, tức là không được khuyến khích một cách chuyên nghiệp, thì họ sẽ như người mù đường, chỉ nghe cái gì là "trào lưu" trên mạng xã hội, từ đó dẫn đến nhiều "hit" ra đời sau một đêm nhưng chất lượng ở mức thấp.

Ở nước ngoài, tất nhiên số lượng nghe nhạc đại chúng bao giờ cũng áp đảo và họ sẽ đẩy những thứ họ nghe thành hit đại chúng. Số lượng còn lại dù không nhiều, nhưng cũng sẽ khiến cho nghệ sĩ với màu sắc riêng mà họ thích sống sung túc và có được môi trường hoạt động riêng. Adele dù đang nghỉ ngơi, chỉ ngồi… thở và không có bất kỳ tour diễn lớn nào nhưng vẫn kiếm hơn 500 triệu một ngày, dù cô không phải nghệ sĩ thương mại.

Bảng xếp hạng âm nhạc Việt 2018: Những méo tròn khó hiểu - Ảnh 1.

Các bảng xếp hạng (BXH) uy tín, thường có mặt bằng chung đồng nhất về chất lượng một sản phẩm. Nhưng chúng ta ít khi thấy top 10 BXH nào có tới hơn nửa là các ca khúc Underground như nhiều BXH ở Việt Nam hiện tại, chưa kể nhiều "đoạn nhạc" thực chất chỉ là những đoạn được thu và phối với chất lượng thấp. Việc các "đoạn nhạc" này đứng ngay cạnh các tác phẩm hoàn chỉnh được đầu tư lớn với tâm huyết của các ca sĩ chuyên nghiệp tạo nên một bức tranh mới trên các BXH. Đây là một tiền lệ chưa từng có.

Thường khi người ta nói đến các tác phẩm Underground, là nói đến những tác phẩm có chất lượng được giới chuyên môn công nhận, nhưng chưa hoàn thiện hay chuyên nghiệp hoá trong việc sản xuất, phát hành, biểu diễn, quảng bá. Rất nhiều người hát trẻ tự nhận mình là Underground, nhưng họ lại không hiểu thứ mình nhận, đó là một nhận thức lệch lạc.

Dân trí nghe nhạc Việt của năm 2018 là sự phân hoá: Bolero sống tốt với các show thực tế và bằng chứng là ca sĩ hát dòng này cát-xê cao ngất ngưởng, bán vé hết nhanh; Underground hay Indie Việt nghiêm túc cũng có chỗ đứng, nhờ nghệ sĩ và khán giả có mạng xã hội kết nối.

Nếu như trước đây, các ca sĩ Indie không có kênh để quảng bá, vì những thiếu hụt chi phí, thiếu khả năng hiểu biết trong quảng bá sản phẩm, thì nay mạng xã hội đã đưa cho họ "món quà tuyệt vời" đó. Những Vũ, hay Trang, Ngọt, bán vé các show diễn cá nhân thuận lợi chỉ nhờ trang cá nhân mà không tốn nhiều chi phí. Qua mạng xã hội, họ cũng thu nhận được những hỗ trợ có ích về mặt sản xuất. Nhờ đó, giới Indie, Underground Việt đang ở thời kỳ "bình minh" của đổi mới. 

Những bạn trẻ văn minh hơn, nghe nhạc quốc tế, cũng có thể dễ dàng tiếp cận sao quốc tế qua các tour diễn ở những nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc. Điều này trước đây là "xa xỉ" nhưng nay đã trở thành món ăn không thể thiếu với một bộ phận thưởng thức cấp tiến.

Bảng xếp hạng âm nhạc Việt 2018: Những méo tròn khó hiểu - Ảnh 2.

Nhưng phần còn lại, số lượng nghe nhạc áp đảo, quyết định bài "hit" trên thị trường lại hoàn toàn đang nghe nhạc theo cảm tính. Vấn đề là cảm tính của họ và chất lượng tác phẩm là 2 thứ tác động qua lại lẫn nhau, như câu chuyện gà con và trứng, dẫn đến tình trạng "không có lối thoát".

Một điều có phần bi quan là khán giả đại chúng hiện tại nghe những gì họ thích, chỉ cần đập đến tai hàng ngày, và là hiện tượng viral mạng xã hội, mà không cần xác định đó phải là một tác phẩm hoàn chỉnh hay không.

Chúng ta nên nhớ một điều, các nước bạn như Indonesia, Thái Lan, Singapore… từ chỗ chỉ thuận lợi hơn chúng ta ở nhận thức thời kỳ đầu nhạc nhẹ phát triển, giờ họ đã tiến xa với những Festival được tổ chức quanh năm, trong đó có không ít các festival Jazz, những buổi hoà nhạc thường niên với tần suất lớn. Ngôi sao nước ngoài đến biểu diễn hàng tháng, thậm chí hàng tuần, và thị trường họ được nâng cấp liên tục cả về quy mô lẫn chất lượng.

Cách đây vài ngày, ca khúc tên Hongkong1 hiện đang gây sốt và tất nhiên nó sẽ xuất hiện trên BXH khi có một bản thu chính thức. Vấn đề ở chỗ, nhóm nghệ sĩ thể hiện ca khúc đó gặp khó khăn trong việc hoàn thiện một bản demo gây sốt trên mạng thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Tác phẩm tuy được xác định là "official" nhưng có chất lượng bản phối và bản thu không cao, đây là một điều đáng tiếc.

MV Lyrics "HongKong1" - Nguyễn Trọng Tài x San Ji x Double X

Có một viễn cảnh không xa khi bất cứ "đoạn nhạc" nào chỉ cần phát ra thứ âm thanh có thể gây viral, sau đó những người sản xuất đưa ra chất lượng bản "chính thức" cũng không cao hơn là mấy, và nó thống trị các BXH, xếp trên rất nhiều ca khúc được đầu tư hàng trăm triệu cùng tâm huyết của các ca sĩ chuyên nghiệp. Đó là viễn cảnh một thị trường méo mó, mà không ai muốn mong đợi.

Bảng xếp hạng âm nhạc Việt 2018: Những méo tròn khó hiểu - Ảnh 4.

Từ các BXH, không khó để thấy thế giới không công nhận nền âm nhạc thị trường Việt, bằng chứng là ngôi sao quốc tế rất ngại và "sợ" đến Việt Nam, trừ vài mục đích quảng cáo đặc biệt hoặc đã qua đỉnh cao. Hoặc như trường hợp Ariana Grande gần đây có đến, nhưng huỷ phút cuối, và BTC cũng chỉ biết chịu trận. "Cảnh" này khó xảy ra ở thị trường lớn và có tiếng nói hơn. Hay như Maroon5 hiện là cái tên đương đại, cũng được nhiều đơn vị muốn đưa về nhưng đang vô cùng gian nan, vì nhóm nhạc trên không có ý định đưa Việt Nam vào bản đồ đu tour châu Á.

Giờ thì các bạn đã nhận ra khi chúng ta có những BXH "khó hiểu", nó sẽ tác động xấu đến thị trường và tương lai nền âm nhạc thế nào rồi chứ.

Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh.