Chồng mắc ung thư giai đoạn cuối, vợ nói điều này khiến gia đình sợ hãi

Ngọc Minh, Theo Đời sống pháp luật 15:45 26/04/2024

Cách đây 1 năm anh Sơn (*) được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Khi biết tin mắc ung thư anh đã rất suy sụp.

Có 1 triệu chứng, đi khám phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn

Anh Sơn (37 tuổi tại Hòa Bình) vốn là người khỏe mạnh, chẳng bao giờ ốm. Cho rằng bản thân khỏe mạnh nên anh Sơn cũng không bao giờ nghĩ tới việc đi khám sức khỏe định kỳ.

"Ở nhà quê, đang tuổi ăn tuổi làm khỏe mạnh chẳng mấy ai tự dưng đi khám sức khỏe đâu", anh Sơn nói.

Khoảng 2 năm trước khi phát hiện ra mắc ung thư, anh Sơn thường bị ngạt mũi. Anh cho rằng mình bị cảm cúm thông thường nên không đi khám. Tuy nhiên, tình trạng ngạt mũi không giảm nên anh có tự mua thuốc về uống. Khi uống thuốc thì triệu chứng hết nhưng sau đó lại xuất hiện trở lại. Và sau một thời gian thì tình trạng ngạt mũi không đáp ứng thuốc.

Anh Sơn chỉ đi khám khi được em gái là chị Quỳnh (*) thúc ép và hứa cho tiền khám.

Ngay trong lần được chị Quỳnh đưa ra Hà Nội khám, bác sĩ đã giới thiệu anh Sơn tới bệnh viện K Trung ương khám chuyên sâu vì nghi ngờ ung thư. Tại bệnh viện K Trung ương, anh Sơn được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn muộn, tiên lượng xấu.

Chồng mắc ung thư giai đoạn cuối, vợ nói điều này khiến gia đình sợ hãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Phản ứng của vợ khi nghe chồng mắc ung thư

Theo chị Quỳnh, khi mắc bệnh anh Sơn đã rất suy sụp vì anh còn hai đứa con nhỏ, gia đình không dư dả để có tiền chữa bệnh. Chị Quỳnh cũng thông báo tin anh Sơn mắc ung thư cho vợ anh. Vợ anh chỉ nói một câu khiến chị Quỳnh choáng váng và sợ hãi: "Thôi cho anh về sống được ngày nào hay ngày ấy".

Trước câu nói của chị dâu, chị Quỳnh vừa thương anh trai vừa giận chị dâu. Khi biết tin anh Sơn mắc bệnh, vợ anh chưa hỏi điều trị ra sao đã muốn anh bỏ điều trị.

Anh Sơn tâm sự, sau khi biết tin anh mắc ung thư, vợ cũng trở nên hằn học với anh. Vợ anh nói: "Hai con nhỏ còn đang đi học, nhà nghèo lấy tiền đâu trị bệnh". Khi nghe vợ nói vậy, anh Sơn càng đau lòng, anh cũng muốn từ bỏ cuộc chiến với ung thư.

Tuy nhiên, em gái anh nói: "Anh còn sống 1 ngày cũng phải điều trị. Anh còn có em, bố mẹ, họ hàng chứ đâu phải riêng mình vợ. Anh phải sống để con anh còn nhớ được mặt bố".

Nghe những câu nói từ em gái, anh Sơn chỉ biết khóc. Khi anh Sơn quyết định đi điều trị ung thư cũng là lúc vợ anh yêu cầu ly hôn vì không thể lo nổi cho anh và 2 con.

Nghe vợ nói, anh đau đớn vô cùng, anh quyết tâm cùng em gái đi điều trị với mong muốn giữ gìn được mái ấm gia đình có bố, có mẹ cho hai con.

Trong một năm hóa trị, xạ trị dù chịu rất nhiều tác dụng phụ của việc điều trị ung thư nhưng anh Sơn vẫn cố gắng vượt qua hết. Hiện tại sức khỏe của anh đã ổn định, kích thước khối u đã nhỏ và anh vẫn tái khám định kỳ.

Chị Quỳnh cho biết thêm, trong suốt quá trình điều trị ung thư, anh Sơn luôn mạnh mẽ, và cố gắng để không gây phiền hà cho em gái. Anh cũng trở nên ít nói, ít tâm sự hơn.

Giờ sức khỏe ổn định, anh Sơn mong muốn ở lại Hà Nội vừa đi chạy xe ôm công nghệ vừa điều trị.

Còn về phần vợ anh Sơn dù hai vợ chồng chưa ly hôn nhưng đã sống ly thân.

Qua câu chuyện của anh Sơn, chị Quỳnh mong muốn mọi bệnh nhân ung thư có thêm nghị lực sống. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng từ bỏ cơ hội được sống, được điều trị.

Triệu chứng của ung thư vòm họng

Theo các chuyên gia ung bướu, một số triệu chứng của ung thư vòm họng mọi người nên biết bao gồm:

- Giảm thính lực, ù tai;

- Đau họng kéo dài trên một tuần, uống thuốc không hiệu quả;

- Ngạt mũi, tắc mũi kéo dài;

- Khó nghe, khó nói, tự nhiên bị chảy máu cam, khó thở;

- Nổi những hạch bất thường ở khu vực vòm họng kèm theo đau nửa đầu.

Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị. Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

(*): Tên nhân vật được được thay đổi.