Cùng xem lại "Làng Vũ Đại ngày ấy": Vai diễn để đời của "Chí Phèo" Bùi Cường

Hằng Nga, Theo Trí Thức Trẻ 09:54 05/08/2018

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nhận xét về tài năng diễn xuất của cố NSƯT Bùi Cường rằng: "Các vai đó dù lớn, dù nhỏ hầu hết đều được anh thể hiện có sức nặng, tất nhiên ở những mức độ khác nhau".

Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, NSƯT Bùi Cường đã thành công với cả vai trò diễn viên và đạo diễn, để lại dấu ấn trong hàng loạt những bộ phim được đánh giá cao. Vai diễn nổi tiếng nhất của ông là vai Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982) của đạo diễn – NSND Phạm Văn Khoa.

Trích đoạn trong phim "Làng Vũ Đại Ngày Ấy"

Làng Vũ Đại ngày ấy và những bi kịch của xã hội Việt Nam thế kỷ 20

Làng Vũ Đại ngày ấy được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Bộ phim được chuyển thể từ ba tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao là Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc. Tuy vậy, bộ phim không hề bị rời rạc, khiên cưỡng mà vẫn có sự liên kết, mạch lạc do cùng hướng đến một chủ đề thống nhất.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 2.

Làng Vũ Đại ngày ấy là một trong những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20.

Các nhân vật quen thuộc trong văn học như anh giáo Thứ, Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến, Lý Cường,… lần lượt xuất hiện trong phim. Các nhân vật này đến từ các tác phẩm văn học riêng rẽ nhưng ở trong bộ phim của đạo diễn Phạm Văn Khoa, họ vẫn có sự tương tác lẫn nhau, như những nhân vật trong cùng một câu chuyện.

Anh giáo Thứ (Hữu Mười) vốn làm nghề dạy học ở thành phố nhưng thời thế thay đổi, trường học bị đóng cửa, cuộc sống ngày càng khó khăn, anh phải về quê để kiếm kế sinh nhai. Tưởng được yên thân để sống và viết, ai ngờ về quê ông lại phải chứng kiến những cảnh éo le, cái tai quái này đẻ ra cái tai quái khác. Cha con Bá Kiến thì độc ác, nham hiểm. Chí Phèo (NSƯT Bùi Cường) từ một anh nông dân chất phác, thật thà trở thành kẻ cố cùng liều thân, tối ngày chỉ biết say xỉn và rạch mặt ăn vạ. Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) thì sống mỏi mòn, cô độc trong mái nhà tranh, chỉ có con chó Vàng làm người bầu bạn.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 3.

Cảnh sống cơ cực của gia đình anh giáo Thứ.

Anh giáo Thứ trở thành nhân chứng sống của thời buổi nhiễu nhương ấy, từ nông thôn đến thành thị. Anh chỉ biết gửi gắm tâm tư trong những trang viết và gửi đăng ở tòa báo Quốc Hồn, tờ báo cuối cùng và duy nhất đứng về phía nhân dân, dám nói lên sự thật, nhưng cuối cùng vẫn bị thực dân đàn áp. Những người như anh Thứ, muốn kiếm tiền bằng việc viết thì buộc phải trở thành "bồi bút", viết những câu chuyện "diễm tình" để thu hút người đọc.

Cũng như tinh thần của những tác phẩm văn học hiện thực phê phán, bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa đã phơi bày hiện thực về xã hội Việt Nam thế kỷ 20. Từ nông thôn đến thành thị, nơi đâu cũng phải chịu sự đàn áp, thống trị của đám thực dân, địa chỉ phong kiến. Những người dân nghèo cam phận "con sâu cái kiến", ngoài việc cầu Trời cho "cái bọn đấy chết hết đi" thì họ chẳng biết làm gì hơn. Người người, nhà nhà sống lay lắt, đói khổ, ăn cháo cám thay cơm, có người cùng quẫn tìm đến cái chết như lão Hạc.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 4.

Lão Hạc có một hoàn cảnh quá bi thương

Những kẻ nổi loạn như Chí Phèo thì phải chịu một kết cục bi thảm, hắn giết được Bá Kiến cha thì sẽ lại mọc lên những "Bá Kiến con" còn nham hiểm, độc ác hơn. Hình ảnh Thị Nở (NSƯT Đức Lưu) đứng bên cái lò gạch cũ gợi sự liên tưởng đến cái vòng tròn bi kịch cứ lặp đi lặp lại. Trong bối cảnh đó, những người trí thức như anh giáo Thứ không khỏi đau xót, bất lực.

Chí Phèo – vai diễn xuất sắc của NSƯT Bùi Cường

Những bộ phim chuyển thể như Vợ chồng A Phủ (1961), Chị Dậu (1981), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) đã đưa những hình tượng văn học quen thuộc lên màn ảnh. Nếu như trước đây các nhân vật ấy chỉ được miêu tả qua trang sách thì trên phim, họ được tái hiện một cách sinh động, từ tạo hình đến tính cách, tâm lý. Cho đến nay, vai diễn Chí Phèo của NSƯT Bùi Cường trong Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn là vai diễn nổi tiếng nhất của ông, đến nỗi khi ông đã qua đời, trong "gia tài" phim ảnh đồ sộ của ông, người ta vẫn luôn nhắc đến tên bộ phim này.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 5.

Chí Phèo là vai diễn kinh điển của NSƯT Bùi Cường

Trong phim, NSƯT Bùi Cường đã thể hiện xuất sắc một Chí Phèo bị tha hóa cả về nhân tính lẫn nhân hình, gây ấn tượng mạnh cho người xem. Chí Phèo được tái hiện trên màn ảnh với hình ảnh một gã đàn ông xăm trổ đầy mình, chột một mắt, mặt chằng chịt những vết sẹo, dáng đi lúc nào cũng khật khưỡng, miệng liên tục chửi thề. Những cảnh Chí Phèo rạch mặt rồi nằm lăn ra đất, giãy đành đạch ăn vạ được NSƯT Bùi Cường diễn tả rất sinh động.

Ông cũng thể hiện rất thành công sự biến đổi tâm lý của nhân vật này. Từ một gã say xỉn, cộc cằn đến một người đàn ông điềm đạm khi tỉnh rượu, hạnh phúc trong tình yêu, biết nhìn Thị Nở bằng ánh mắt trìu mến, biết cười khách khách, vỗ đùi đen đét ước ao "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?" Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, Chí Phèo lại rơi vào trạng thái u uất, lần này lên đến cực độ, Chí Phèo xách dao đi tìm kẻ thù để đòi lương thiện.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 6.

Tạo hình ấn tượng của NSƯT Bùi Cường trong vai Chí Phèo

Chí Phèo say xỉn triền miên để "quên mẹ cái sự đời này đi" nhưng hóa ra ở làng Vũ Đại hắn lại là người "tỉnh" nhất. Chỉ có hắn mới dám nói lên sự thật, chỉ có hắn mới có bản lĩnh đến gặp Bá Kiến để đòi nợ. Câu nói cuối cùng của Chí: "Ai cho tao lương thiện!" vẫn còn ám ảnh mãi về sau.

Vai diễn Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy đã mang về cho NSƯT Bùi Cường giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6, năm 1983.

Cùng xem lại Làng Vũ Đại ngày ấy: Vai diễn để đời của Chí Phèo Bùi Cường - Ảnh 7.

Phân cảnh "bát cháo hành" nổi tiếng.

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nhận xét về tài năng diễn xuất của NSƯT Bùi Cường: "Anh có khả năng thiên bẩm là vạch ra những cái lố bịch của người đời chỉ bằng một vài động tác cực kỳ đơn giản. Có cảm giác trong con người anh luôn tiềm ẩn một sức diễn chưa hề vơi cạn. Bảng danh sách các vai diễn trong phim của anh cứ kéo dài ra mãi. Các vai đó dù lớn, dù nhỏ hầu hết đều được anh thể hiện có sức nặng, tất nhiên ở những mức độ khác nhau. Nhìn lại các nhân vật do anh thể hiện ít thấy Bùi Cường trùng lặp. Được như vậy chính bởi hai tiếng "màn bạc" đối với anh đồng nghĩa với sáng tạo".

NSƯT Bùi Cường sinh ngày 15/3/1947 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp lớp Diễn viên khóa II Trường Điện ảnh năm 1977, ông về công tác tại Hãng phim Truyện Việt Nam. Bộ phim đầu tiên ông tham gia diễn xuất là Mưa Rơi Trên Thành Phố (1977), sau đó ông tiếp tục xuất hiện trong nhiều bộ phim khác như Ngày Ấy Bên Sông Lam (1980), Câu Lạc Bộ Không Tên(1981), Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982), Biệt Đội Sài Gòn (1985), Không Có Đường Chân Trời (1987)…

Năm 1990, ông bắt đầu thử sức với vai trò đạo diễn phim truyện video và phim truyền hình với những bộ phim tiêu biểu như Người Hùng Râu Quặp (1990), Kẻ Cưới Cô Dâu (1991), Con Bạc Cháu Vàng (1993), Trở Lại Bến Xưa (1995), Vào Đời (1996), Giấc Mộng Không Thành (1996), Thiên Đường Ở Trên Cao (1997), Thư Gửi Thời Gian (1999)…

Về phim điện ảnh, bộ phim Người đàn bà không con mà ông giữ vai trò đạo diễn và đồng tác giả kịch bản đã nhận giải Đạo diễn cho phim truyện điện ảnh đầu tay của Hội Điện ảnh Việt Nam, 1996.

Sau đó ông chuyển sang làm phim truyền hình cho VTV ở chuyên mục Văn nghệ Chủ nhật. Ông từng giành Huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 2004 với phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ.

NSƯT Bùi Cường đã đột ngột qua đời ngày 03.08.2018 tại nhà riêng sau một cơn tai biến nặng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày