Đỉnh cao tiết kiệm: Chỉ tiêu 3,5 triệu/tháng cho toàn bộ chi phí sống tại Hà Nội?

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 08:01 12/03/2024

Phương Như chỉ cho phép mình chi tiêu 1/5 thu nhập hàng tháng.

Hiện tại, Phương Như (28 tuổi) đang làm việc cho một công ty thuộc lĩnh vực Fintech (Công nghệ tài chính) ở Hà Nội. 3,5 triệu đồng là số tiền mà Phương Như chi hàng tháng cho việc thuê nhà, ăn uống, đi lại cùng các chi phí phát sinh khác; và số tiền này chỉ bằng khoảng 1/5 thu nhập của Phương Như mỗi tháng.

Với những người đang phải đi thuê nhà ở Hà Nội, 3,5 triệu có khi còn chưa đủ tiền thuê nhà cùng phí dịch vụ hàng tháng, chứ nói gì tới việc thêm cả tiền ăn uống, đi lại. Vậy Phương Như đã làm thế nào để có thể chi tiêu tiết kiệm thế này?

3,5 triệu/tháng là đủ sống và sống thoải mái!

Phương Như cho biết công ty cô đang làm việc có chế độ đãi ngộ rất tốt, phục vụ miễn phí bữa sáng và bữa trưa cho nhân viên nên những ngày trong tuần, cô chỉ phải tự lo ăn bữa tối. Phương Như gần như tự nấu ăn ở nhà, hiếm khi ăn ngoài hay đặt đồ ăn qua app.

Phương tiện di chuyển chính của cô nhân viên văn phòng này là tàu điện hoặc xe bus. Ngoài ra, Phương Như cũng ở ghép cùng 2 người nữa để giảm tối đa chi phí thuê nhà trọ cùng tiền dịch vụ.

Với điều kiện như vậy, Phương Như vẫn sống khá thoải mái với ngân sách 3,5 triệu/tháng.

Đỉnh cao tiết kiệm: Chỉ tiêu 3,5 triệu/tháng cho toàn bộ chi phí sống tại Hà Nội? - Ảnh 1.

Cách Phương Như phân bổ các khoản chi tiêu chỉ với 3,5 triệu đồng/tháng

Phương Như cho biết cũng có những tháng tổng số tiền mà cô chi tiêu vượt quá con số 3,5 triệu đồng, chủ yếu là tiền mừng cưới do bạn bè đã đến tuổi lập gia đình. Tuy nhiên, cô chỉ tới dự tiệc cưới của những người bạn, người đồng nghiệp thực sự thân thiết, không phải cứ được mời là sẽ đi vì như vậy rất tốn kém.

Phân bổ số tiền còn lại hàng tháng thế nào?

Với số tiền còn lại, Phương Như cho biết cô sẽ phân bổ đều cho: Quỹ dự phòng (khoản chi cho các đầu việc phát sinh ngoài dự định), gửi tiết kiệm, tích lũy mua vàng, đầu tư đi học và đi du lịch.

Đỉnh cao tiết kiệm: Chỉ tiêu 3,5 triệu/tháng cho toàn bộ chi phí sống tại Hà Nội? - Ảnh 2.

Phương Như cũng có kế hoạch rõ ràng để phân bổ số tiền lương còn lại (sau khi trừ đi khoản chi cố định 3,5 triệu đồng)

Vì chỉ chi tiêu 1/5 thu nhập hàng tháng nên Phương Như còn dư khá nhiều tiền, để hạn chế tình trạng bội chi, khoản này lẹm vào khoản kia, cô áp dụng cách sau.

1 - Quỹ dự phòng hàng tháng gửi thành sổ tiết kiệm thời hạn 1 tháng

Phương Như không giữ tiền của Quỹ dự phòng trong tài khoản ngân hàng, thay vào đó, cô gửi tiết kiệm với kỳ hạn 1 tháng.

"Mình làm vậy để tận dụng lãi suất, được thêm đồng nào hay đồng ấy. Mỗi tháng mình làm 1 sổ tiết kiệm online để giữ tiền trong quỹ dự phòng. Nếu tháng đó có việc thì mình rút ra dùng, còn nếu không, khoản tiền ấy sẽ được cộng gộp vào quỹ dự phòng của tháng tiếp theo và lại tiếp tục được gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng" - Phương Như chia sẻ.

2 - Tiền tiết kiệm gửi kỳ hạn 1 năm

Sau khi trừ đi 3,5 triệu tiền sinh hoạt phí hàng tháng, 30% số tiền còn lại sẽ được Phương Như gửi tiết kiệm với thời hạn 24 năm.

"Khoản tiết kiệm này khác với khoản quỹ dự phòng. Mình đã xác định từ đầu rằng đây sẽ là khoản tiền tiết kiệm lâu dài, tuyệt đối không rút ra nên gửi kỳ hạn dài để nhận được lãi suất tốt nhất. Hơn nữa, mình gửi thêm vào đều đặn hàng tháng nên gửi kỳ hạn dài mới có thể tận dụng lãi suất kép" - Phương Như khẳng định.

3 - Tiền mua vàng gửi cho mẹ, nhờ mẹ mua và giữ hộ

Hàng tháng, Phương Như đều trích một phần thu nhập để mua vàng nhưng không có nghĩa là cứ đến ngày nhận lương, cô sẽ đi ra tiệm vàng và mua 1 chỉ.

"Vì mình đang ở nhà thuê cùng 2 bạn nữa, nên mình thường hạn chế việc để tiền mặt ở nhà chứ đừng nói đến để vàng. Tiền tích lũy để mua vàng mình sẽ chuyển cho mẹ, nhờ mẹ giữ hộ cho đến khi nào đủ mua 5 chỉ hoặc 1 cây, hoặc khi giá vàng ổn định lại, mẹ sẽ đi mua và giữ vàng luôn giúp mình. Vậy là an toàn nhất rồi!" - Phương Như chia sẻ.

4 - Các khoản còn lại chuyển chung vào 1 thẻ ATM khác, không phải thẻ chi tiêu chính

Tiền đi du lịch và tiền học sẽ được Phương Như chuyển vào 1 thẻ ATM phụ.

"Không phải tháng nào mình cũng đi du lịch hay đi học, thế nên mình cũng không quá rạch ròi 2 khoản này, cứ để chung chúng ở 1 tài khoản. Nếu không đi học hoặc đi du lịch, mình sẽ dùng tiền đó để mua sắm quần áo nếu cần thiết hoặc gom lại thành một khoản lớn để mua các dụng cụ hỗ trợ làm việc như ghế công thái học, iPad hoặc tai nghe,..." - Phương Như kể.

Với cách chi tiêu và quản lý chi tiêu như thế này, Phương Như tự tin khẳng định bản thân sống rất thoải mái và vô cùng tự tin, chẳng mấy khi phải lo nghĩ về chuyện tiền nong vì dù chưa giàu, nhưng ít nhất, cô vẫn có thể duy trì cuộc sống nếu không đi làm trong 8 tháng liên tiếp.