Dùng dung dịch sát khuẩn, người đàn ông phát ban đỏ thẫm khắp cơ thể

Mỹ Diệu, Theo Phụ nữ mới 12:04 08/05/2024

Khoảng 15 phút sau dùng dung dịch sát khuẩn, bệnh nhân xuất hiện các ban đỏ thẫm màu, kích thước khoảng 1cm.

Thời gian gần đây, Khoa Dị ứng, Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện TƯQĐ 108 (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam, 56 tuổi, không có tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, nhập viện với chẩn đoán sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn tiết niệu có chỉ định phẫu thuật.

Người bệnh sau khi tắm với dung dịch sát khuẩn trước mổ Lifo Scrub (thành phần chính là Chlorhexidine) khoảng 15 phút có biểu hiện xuất hiện các tổn thương da rải rác toàn thân, tập trung chủ yếu ở thân mình, có đặc điểm tổn thương cơ bản là các ban đỏ thẫm màu, kích thước khoảng 1cm, một vài tổn thương trung tâm có mụn nước kích thước 1mm, tập trung thành mảng lớn, ngứa nhiều.

Người bệnh được bác sĩ chuyên ngành dị ứng thăm khám và chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng nghi do thuốc (kháng sinh, Chlorhexidine), xét nghiệm sàng lọc nguy cơ dị ứng bằng Độc tế bào với Lifo Scrub cho kết quả "Nghi ngờ".

Kết luận bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng do chất sát khuẩn Chlorhexidine. 

Dùng dung dịch sát khuẩn, người đàn ông phát ban đỏ thẫm khắp cơ thể - Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương da của người bệnh ngày thứ 2 sau chẩn đoán xác định

Chlorhexidine là gì?

Chlorhexidine là chất sát khuẩn phổ biến được sử dụng để chuẩn bị da và niêm mạc trước phẫu thuật. Chlorhexidine có hoạt tính chống lại các vi khuẩn gram âm, gram dương và các nấm men, vì vậy được sử dụng để lau rửa vết thương, phòng tránh mảng bám răng và điều trị nấm men ở miệng.

Ngày càng có nhiều báo cáo về tình trạng dị ứng Chlorhexidine, các phản ứng quá mẫn từ phản ứng nhẹ ở da đến phản ứng phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp tính hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da. Viêm da tiếp xúc được chia thành viêm da tiếp xúc dị ứng (phản ứng tăng nhạy cảm của da với các dị nguyên) và viêm da tiếp xúc kích ứng (biểu hiện phản ứng da đối với tác nhân hóa học, lý học và sinh học bên ngoài).

Người bệnh bị viêm da tiếp xúc thường có các biểu hiện là các dát đỏ, mảng đỏ da, mụn nước, bọng nước hay các mụn mủ, vết loét… tổn thương có thể kéo dài thành mạn tính như dày da, lichen hóa, bong vảy… cơ năng ngứa nhiều, có thể có triệu chứng đau rát, đau nhức.

Bệnh được chẩn đoán dựa vào bệnh sử tiếp xúc, khám lâm sàng, thử nghiệm áp da để xác định dị nguyên gây dị ứng. Điều trị bao gồm corticosteroid tại chỗ, thuốc chống ngứa và tránh các chất kích ứng và chất gây dị ứng.

Sau khi nhập viện, người bệnh được xử trí bằng corticoid toàn thân và tại chỗ, kháng histamin và truyền dịch. Tổn thương da của người bệnh có giảm đỏ, giảm ngứa, có xu hướng thoái lui sau 3 ngày. Người bệnh sau đó được chỉ định sát khuẩn bằng xà phòng tắm thông thường và phẫu thuật theo kế hoạch.

BS. Nguyễn Hà Anh, Khoa Da liễu, Trung tâm Da liễu - Dị ứng, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết: Tuy Chlorhexidine là chất sát khuẩn tương đối lành tính nhưng có khả năng gây ra phản ứng dị ứng. Viêm da tiếp xúc dị ứng gây ra bởi Chlorhexidine được công bố lần đầu tiên năm 1965, sốc phản vệ đầu tiên cũng bởi hoạt chất này được công bố lần đầu vào năm 1984. Song hành với việc sử dụng rộng rãi chất này trong y tế, số lượng các trường hợp dị ứng ngày một tăng lên, các báo cáo ghi nhận cả những trường hợp dị ứng ngay lập tức khi tiếp xúc với Chlorhexidine và phản ứng dị ứng sau khi tiếp xúc có thể lên tới 30 ngày.

Việc phát hiện sớm các biểu hiện của dị ứng với một số các loại chất sát khuẩn thường quy cần được lưu ý bởi các y bác sĩ, nhân viên y tế. Đồng thời, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để tránh các trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguồn và ảnh: Bệnh viện TƯQĐ 108