Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi

Ngọc Ánh, Tom, Theo Trí Thức Trẻ 21:02 14/10/2017

Thời gian gần đây, khi Internet và mạng xã hội trở nên phổ biến, số lượng người dùng gia tăng một cách nhanh chóng. Đi kèm với các lợi ích, cũng không thể tránh khỏi tác hại do việc nghiện mạng xã hội, nghiện game gây ra.

Tại Việt Nam, số người dùng mạng xã hội đang ngày một gia tăng. Có những người dùng cho mục đích học tập, công việc nhưng cũng có rất nhiều người chỉ vào mạng để trò chuyện, tán gẫu, thậm chí là vào không mục đích. Khi đã trở thành thói quen, người ta dần trở nên "nghiện" mà không thể dứt ra được.

Trước đó, bác sĩ La Đức Cương, giám đốc bệnh viện Tâm thần TW1 cũng đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng mắc bệnh tâm thần ở giới trẻ do nghiện mạng xã hội, nghiện game... Có thể thấy, tình trạng nghiện mạng xã hội, chơi game online, vào mạng liên tục đang trở thành mối nguy hại đối với tinh thần và sức khoẻ khi nó gây ra rất nhiều ảnh hưởng, trong đó đáng quan tâm nhất là căn bệnh tâm thần do nghiện vào mạng gây nên.

Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi - Ảnh 1.

Bệnh viện Tâm thần TW1 - nơi tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như việc nghiện mạng xã hội, chơi game online hay vào mạng liên tục không gây ra những ảnh hưởng xấu đến tinh thần và sức khỏe. Có thể trước đây rất ít người để ý, nhưng trong thời gian gần đây, người ta bắt đầu phải giật mình trước những trường hợp nghiện vào mạng đến mức... mắc tâm thần.

Nam sinh 14 tuổi lên cơn co giật vì bị... cấm dùng facebook

Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi - Ảnh 2.

Cách đây không lâu, bệnh viện Bạch Mai đã phải tiếp nhận trường hợp một nam sinh 14 tuổi nhập viện trong tình trạng co giật. Điều đáng nói ở đây, nguyên nhân gây nên tình trạng bệnh như trên chính là do việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều.

Theo lời gia đình, cậu bé này được cho sử dụng điện thoại và sau đó thì cậu đã vào mạng liên tục. Nam sinh này chỉ chú tâm vào Facebook nói chuyện, chơi đùa, dẫn đến tình trạng mải mê với mạng xã hội, không quan tâm đến xung quanh.

Qua lời kể của bố mẹ, cứ đi học về là bé lao vào "ôm" lấy cái điện thoại lướt Facebook, nằm lỳ trong phòng, chát chít cả trong lúc ăn, lúc đi vệ sinh... Thời gian cậu bé này vào mạng lên tới 10 tiếng mỗi ngày. Điều này khiến gia đình cảm thấy khó chịu và quyết định can thiệp bằng cách "tịch thu" điện thoại, không cho chơi nữa. Khi đó, nam sinh này đã lên cơn co giật và phải nhập viện.

Khi thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện nam sinh này có dấu hiệu hoang tưởng ảo giác. Việc bị tịch thu điện thoại khiến bé có phản ứng thu hẹp và các cơn co giật. Cháu bé cũng kể rằng trong đầu hay xuất hiện các tiếng nói "mày phải chơi đi", khi là đàn ông, khi là đàn bà và thường xảy ra vào lúc chạng vạng tối.

Sau đó, các bác sĩ đã tích cực điều trị, phối kết hợp giữa uống thuốc chống loạn thần, không cho chơi trên mạng xã hội nữa và khuyến cáo gia đình quan tâm thường xuyên hơn.

Nhập viện tâm thần vẫn… trốn viện để được lên mạng

Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi - Ảnh 3.

Trao đổi với Trưởng khoa cai nghiện bệnh viện Tâm thần TW1, bác sĩ cho biết, khoa từng tiếp nhận trường hợp một học sinh nghiện lên mạng và chơi game khá nặng. Đó là một nam sinh 15 tuổi, được bố đưa đến viện trong tình trạng gầy sút nghiêm trọng, chán ăn, không ngủ được.

Theo lời kể của gia đình, trước đó, cậu bé này vẫn đang là học sinh giỏi nhưng sau đó bị rủ rê, cậu đã lên mạng chơi game, vào mạng rồi sa đà, dẫn tới nghiện lên mạng.

Khi được các bác sĩ thăm khám, cậu bé này không chịu chia sẻ, không nói gì... Được biết, nam sinh này lên mạng, chơi game rất nhiều, liên tục chỉ ngồi "ôm" máy tính. Bệnh nhân thậm chí còn không ăn uống đầy đủ, chỉ ngồi ăn mì tôm cạnh máy tính, tới mức bát mì tôm cứ xếp chồng lên thành chồng cao ở bên cạnh. Cậu bé cứ thức và ăn uống qua loa như vậy để có thể chơi liên tục, tình trạng học hành cũng sút kém hẳn đi.

Bệnh nhân này thuộc một trong các trường hợp phải nhập viện, đưa vào khu riêng của kho cai nghiện để điều trị cùng với các bệnh nhân mắc tâm thần khác. Khi được nhập viện, bệnh nhân thậm chí còn tìm cách… trốn ra ngoài quán net để lên mạng do không thể dứt ra được khiến các bác sĩ phải mất nhiều công đi tìm.

Qua khai thác, các bác sĩ phát hiện ra trước đó, bệnh nhân từng bị trầm cảm nên đã tìm đến mạng xã hội, chơi game... để được sống trong thế giới ảo. Sau đó, bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc trị trầm cảm và thuốc ngủ để giúp ngủ ngon hơn. Sau một thời gian điều trị, cậu bé này có tăng cân lên và ngủ tốt hơn nhưng vẫn thèm chơi và thỉnh thoảng vẫn tìm cách trốn ra quán game. Đây là trường hợp mất khá nhiều thời gian để có thể chữa trị và giúp "cai nghiện" mạng xã hội, chơi game.

Nam sinh Đại học nhập viện tâm thần vì "sống ảo"

Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi - Ảnh 4.

Bác sĩ La Đức Cương cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện có tiếp nhận một trường hợp nam sinh năm cuối một trường Đại học tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy nhược, gương mặt thất thần...

Người nhà cho biết, trước đây, nam sinh này là học sinh khá giỏi, khi đỗ Đại học thì phải sống xa nhà. Gia đình không thể sát sao như trước nên không rõ tình trạng nghiện mạng xã hội và nghiện game xảy ra từ bao giờ, chỉ biết sau đó đã nợ rất nhiều môn.

Một thời gian sau, nam sinh viên này về nhà, không đi học nữa. Khi về nhà, nam sinh này chỉ "làm bạn" với máy tính. Cứ ôm lấy cái máy tính liên tục như vậy, sau đó bạn này đã trở nên gầy sút, mất ngủ, hầu như không trò chuyện với bất kì ai xung quanh, gần như chỉ tự kỷ một mình với cái máy.

Bác sĩ Cương chia sẻ, cho tới khi được đưa vào viện, ngồi trước mặt bác sĩ nhưng bệnh nhân vẫn bỏ ngoài tai vì lúc này, trước mặt bệnh nhân là màn hình vô hình với hình ảnh các nhân vật trong game… Trường hợp này khi nhập viện đã có các dấu hiệu rối loạn về tâm thần, sa sút tinh thần.

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Cương cho biết, các bệnh nhân giống như nam sinh viên nói trên hầu hết đều đã có các biểu hiện bất thường về tâm thần như không nghe lời, chống đối gia đình... Nghiêm trọng hơn, có trường hợp còn nợ nần, trộm tiền để đi chơi...

Tóm lại, có thể thấy rằng, tình trạng mắc tâm thần do nghiện mạng xã hội, nghiện game khá phổ biến. Thế nhưng, đôi khi, mọi người lại không để ý, thậm chí không biết rằng mình đã mắc bệnh. Bởi vậy, hãy quan tâm hơn tới bản thân và người thân xung quanh để tránh xảy ra các hậu quả nghiêm trọng.

Hiện thực các ca tâm thần do nghiện mạng xã hội: từ co giật đến không kiểm soát được hành vi - Ảnh 5.