Bị hút ra khỏi máy bay ở độ cao 7km, phi công vẫn sống sót đầy kỳ tích

Skye, Theo 10:30 21/10/2017

Câu chuyện xảy ra từ cách đây hơn 20 năm của hãng hàng không British Airways vẫn khiến nhiều người hoàn toàn ngạc nhiên trước sức sống phi thường của cơ trưởng Lancaster.

Theo hiệp hội hàng không quốc tế, trung bình, có khoảng 8 triệu người bay trên thế giới mỗi ngày. Tính ra một năm có khoảng 3 tỷ lượt hành khách trên trời. So với số lượng các vụ tai nạn máy bay, nhiều người coi việc di chuyển bằng đường hàng không là khá an toàn. 

Tuy nhiên, nếu bạn đã nghe câu chuyện của chuyến bay mang mã số 5390 của hãng hàng không British Airways, chứng sợ bay aviophobia của bạn có thể sẽ lại tăng thêm một chút.

Vào ngày 10/6/1990, chuyến bay của hãng hàng không British Airways mang số hiệu 5390 khởi hành từ Birmingham, Anh tới Malaga, Tây Ban Nha. Trên chuyến bay lúc đó có 81 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn.

Mọi chuyến diễn ra vô cùng suôn sẻ; máy bay đạt được độ cao tiêu chuẩn sau 20 phút. Tuy nhiên, bất chợt hành khách nghe thấy một tiếng nổ. Hóa ra, cửa kính trong khoang lái bất ngờ vỡ tan, bật ra khỏi máy bay. Bạn có thể tưởng tượng độ nguy hiểm của nó như nào khi máy bay đang ở độ cao 7km, bay với tốc độ khoảng 800km/h.

Bị hút ra khỏi máy bay ở độ cao 7km, phi công vẫn sống sót đầy kỳ tích - Ảnh 2.

Ngay lập tức, phi công máy bay Timothy Lancaster bị hút ra khỏi cửa sổ. Cửa sổ của khoang lái cũng bị mở toang khiến hành khách đều chứng kiến được cảnh tượng ấy. Những mảnh vỡ và giấy bay tung tóe trong khoang máy bay. 

Tuy nhiên, cơ trưởng Lancaster đã được cứu nhờ sự nhanh trí của Nigel Ogden, một tiếp viên hàng không lúc bấy giờ có mặt trong khoang lái. Ogden đã nắm lấy chân của Lancaster và bám chặt vào thành ghế. Sau đó, tiếp viên còn lại, Simon Rogers, cũng chạy tới để kéo cơ trưởng vào bên trong.

Bị hút ra khỏi máy bay ở độ cao 7km, phi công vẫn sống sót đầy kỳ tích - Ảnh 3.

Cửa kính trong khoang lái bất ngờ vỡ tan, bật ra khỏi máy bay.

Bị hút ra khỏi máy bay ở độ cao 7km, phi công vẫn sống sót đầy kỳ tích - Ảnh 4.

5 tháng sau khi bị hút khỏi máy bay, cơ trưởng Lancaster đã quay lại làm việc.

"Tôi thấy một cơ thể người bị hút ngoài cửa sổ, với 2 người đàn ông và 1 phụ nữ đang cố bám lấy chân" - hành khách Margaret Simmonds cho biết. 

Ngay sau đó, cơ phó đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Southampton. Lancaster đã được di chuyển ngay tới phòng cấp cứu khẩn cấp rồi chuyển tới bệnh viện. Các hành khách và phi hành đoàn cũng được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sang chấn. Tuy nhiên, họ đều ổn và được xuất viện luôn. 

Lancaster có một vài chấn thương trên cơ thể nhưng nhìn chung, sức khỏe của anh không bị ảnh hưởng quá nhiều. Chỉ 5 tháng sau, cơ trưởng đã quay trở lại và tiếp tục sự nghiệp bay.