Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 10:00 17/04/2024

Vương, 22 tuổi, sốc khi nhận kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng. Trong khi Vân suy kiệt buồng trứng ở tuổi 25. Điều này đồng nghĩa với việc họ vô sinh ở tuổi đời rất trẻ, phải thụ tinh ống nghiệm mới có con.

"Tôi không tin, chỉ mới hơn 20 tuổi tại sao vô sinh", Vương bối rối khi bác sĩ báo tin.

Vương sống chung với bạn gái Thu Hương 23 tuổi, hai năm nay. Thời gian đầu, họ tránh thai nhưng không thường xuyên, sau đó không dùng bất cứ biện pháp nào. Cuối tháng 2, hai người quyết định kết hôn nên đi khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân. Kết quả, khả năng mang thai và sinh con của Hương hoàn toàn bình thường, còn Vương xét nghiệm tinh dịch đồ không có tinh trùng.

Không tin kết quả chẩn đoán này, Vương đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám lại. ThS.BS Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, ghi nhận hai bên tinh hoàn của Vương teo nhỏ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng, thể tích chỉ khoảng 4 ml (thể tích trung bình 15-25 ml).

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 1.

Khai thác tiền sử, Vương nhớ ra từng mắc bệnh quai bị năm 15 tuổi. Theo bác sĩ Huy, nam giới biến chứng teo tinh hoàn sau mắc quai bị có tỷ lệ vô sinh khoảng 35%.

Vương quyết định phẫu thuật, tìm thấy tinh trùng mới kết hôn sinh con để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Anh được bác sĩ Huy thực hiện kỹ thuật micro-TESE (vi phẫu tìm tinh trùng từ tinh hoàn), tìm được hơn 30 tinh trùng khỏe mạnh đủ cho hai chu kỳ thụ tinh ống nghiệm. Toàn bộ tinh binh được trữ đông với kỹ thuật trữ số lượng ít, giúp chàng trai trẻ bảo tồn khả năng sinh sản. Vương và bạn gái dự định kết hôn vào tháng 5 tới, sau đó thực hiện thụ tinh ống nghiệm để sinh con.

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 2.

Anh Vương được mổ micro-TESE vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Ảnh: Hoài Thương

Vân là một trong số không ít phụ nữ trẻ vô sinh do suy kiệt buồng trứng sớm. Sau ba tháng mất kinh, khô âm đạo, thường xuyên căng thẳng, Vân cùng chồng đến IVF Tâm Anh khám vào đầu năm 2024. Kết quả xét nghiệm cho thấy Vân bị rối loạn nội tiết, dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0.5 (AMH ở phụ nữ dưới 38 tuổi thường là 2.2 - 6.8 ng/mL), siêu âm đầu chu kỳ chỉ còn 1-2 nang trứng. Bác sĩ tiên lượng vài tháng tới, Vân có thể mãn kinh dù chưa có con.

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 3.
Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 4.

Bệnh nhân được chọc hút noãn tại IVF Tâm Anh. Ảnh: Hoài Thương

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao. Hơn 50% trong số này là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30.

Tại IVF Tâm Anh TP HCM, số lượng khách khám và điều trị hiếm muộn mỗi năm tăng 50%. Nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn xuất phát từ nam giới chiếm 40%, nữ giới 40%, 20% còn lại là do cả hai giới hoặc chưa rõ nguyên nhân. Vô sinh ở nam giới có thể do bất thường bẩm sinh nơi cơ quan sinh dục, bệnh lý di truyền, tuổi tác, bệnh tật tại vùng tinh hoàn hay bệnh lý toàn thân, các rối loạn trong đời sống vợ chồng, áp lực của cuộc sống, thói quen tình dục bừa bãi, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, dinh dưỡng mất cân bằng… Ở nữ giới, hiếm muộn do các yếu tố suy buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, bất thường về tử cung, vòi trứng, viêm nhiễm, buồng trứng đa nang…

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 5.

Kỹ thuật ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn) kết hợp với IVF giúp nhiều vợ chồng vô sinh có con chính chủ. Ảnh: IVF Tâm Anh

Suy buồng trứng sớm là tình trạng buồng trứng cạn kiệt trước 40 tuổi với biểu hiện vô kinh, suy sinh dục, ảnh hưởng đến quá trình thụ thai, gây khó có con, thậm chí vô sinh ngay trong độ tuổi sinh sản. Tại IVF Tâm Anh, khoảng 50% bệnh nhân dưới 40 tuổi dự trữ buồng trứng thấp, giảm dự trữ buồng trứng đang được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng nhiều phương pháp khác nhau nhằm mang lại cơ hội có con chính chủ.

Bác sĩ Khang giải thích có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy buồng trứng sớm như Vân, thường gặp là di truyền, mắc các bệnh lý tự miễn, thường xuyên tiếp xúc với độc tố từ khói thuốc lá, hóa chất công nghiệp, bệnh lý và các phẫu thuật ở buồng trứng, hóa và xạ trị khi điều trị ung thư ở hệ sinh sản nữ giới (vú, buồng trứng…).

Theo bác sĩ, trước đây phụ nữ có chỉ số AMH chạm đáy thường phải đối diện với nguy cơ xin trứng, nhưng hiện nay họ có thể sinh con bằng trứng tự thân nhờ nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tùy tình trạng cụ thể, phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng và suy buồng trứng sớm được điều trị theo những phác đồ cá thể hóa phù hợp. Điển hình là kỹ thuật trữ trứng, trữ phôi giúp gom trứng nhiều chu kỳ hoặc nhiều phôi tăng tỷ lệ đậu thai.

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 6.

ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc IVF Tâm Anh trò chuyện với vợ chồng hiếm muộn sinh con nhờ kỹ thuật IVF. Ảnh: Như Ngọc

Bên cạnh đó, ứng dụng phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng (Mild Stimulation), nuôi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (IVM), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nuôi phôi, sàng lọc phôi tiền làm tổ (PGT), kỹ thuật bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) với những trường hợp nội mạc tử cung mỏng, xét nghiệm Era test xác định cửa sổ làm tổ, nội soi buồng tử cung chẩn đoán (Office Hysteroscopy), trữ noãn/tinh trùng/phôi số lượng ít... giúp những vợ chồng vô sinh, nhất là phụ nữ suy buồng trứng sớm, hiện thực hóa ước mơ có con bằng trứng của chính mình.

Nhiều người trẻ suy sụp khi nhận kết quả vô sinh ở tuổi đôi mươi - Ảnh 7.

Hệ thống tủ nuôi cấy phôi hiện đại với công nghệ quan sát liên tục sự thay đổi của phôi

Chị Vân được các bác sĩ áp dụng phương pháp gom trứng nhiều chu kỳ. Sau 5 chu kỳ kích thích buồng trứng, chị có 7 trứng trưởng thành. Chuyên gia phôi học rã đông trứng trữ kết hợp với trứng tươi của chu kỳ cuối và tiêm tinh trùng vào bào tương trứng tạo được 4 phôi. Chị đậu thai sau lần chuyển phôi thứ hai, thai nhi hiện 12 tuần.

Bác sĩ khuyến cáo vợ chồng sau một năm kết hôn chưa có thai (hoặc 6 tháng với trường hợp người vợ ngoài 35 tuổi) nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản. Nam giới dù đã kết hôn hay còn độc thân, thậm chí trong độ tuổi dậy thì, khi phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh dục cần thăm khám và điều trị sớm giúp tăng tỷ lệ thành công, bảo tồn khả năng sinh sản kịp thời (trữ noãn, tinh trùng, phôi) và sớm hồi phục sau điều trị.