Những hệ luỵ nghiêm trọng từ việc bắt nạt trực tuyến gây ra cho sức khoẻ tâm thần: từ stress nhẹ đến xu hướng tự tử

Ngọc Ánh, Thiết kế: Hoàng Anh, Theo Helino 11:32 24/10/2019

Từ một vài lời tưởng như vô tâm trên mạng cũng có thể gây ra vô vàn hậu quả nặng nề đến tâm lý, sức khoẻ tâm thần của một người.

Không còn là một vấn đề quá mới, nhưng bắt nạt online, bắt nạt qua mạng đã và đang ngày càng dẫn đến rất nhiều hậu quả nặng nề cho nhiều người. Hàng ngày, chúng ta vô tư lên mạng viết status, bình luận, thậm chí là buông những lời không hay, "ném đá" người khác, chẳng mảy may nghĩ rằng điều đó sẽ tác động gì đến họ.

Không đơn thuần chỉ là một câu nói, đó có thể trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ tâm thần của một người, mà dễ thấy nhất chính là những hậu quả như dưới đây!

Stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, mắc các căn bệnh tâm thần...

The Royal Society of Public Health and the Young Health Movement (Anh) đã từng thực hiện một cuộc khảo sát với một nhóm có khoảng 1.500 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14 - 24 về tác hại của các trang mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần người trẻ. Kết quả cho thấy rằng các mạng xã hội đã và đang gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng sức khoẻ của họ như: chứng lo âu, trầm cảm, ít giao tiếp, mất ngủ, cảm thấy cô đơn...

Một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng này chính là bởi những gì mà bản thân họ tiếp xúc trên mạng xã hội: những lời lẽ, câu chuyện, các vấn đề xấu đánh thẳng vào tâm lý (như bị chửi bới, miệt thị, mỉa mai, doạ dẫm...) khiến người ta liên tục suy nghĩ tiêu cực. Nó gây nên tình trạng stress kéo dài, rối loạn lo âu, và lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm và nhiều căn bệnh tâm thần khác.

Những hệ luỵ nghiêm trọng từ việc bắt nạt trực tuyến gây ra cho sức khoẻ tâm thần: từ stress nhẹ đến xu hướng tự tử - Ảnh 1.

Rối loạn hành vi, tăng động

Bắt nạt online không chỉ đánh vào "mặt yếu" của tâm lý, khiến người ta lo lắng, trầm cảm, mà còn có thể gây ra các tình trạng phản ứng mạnh hơn, điển hình như rối loạn hành vi, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt...

Theo bác sĩ Mubarak Rahamathulla (chuyên gia về Internet và sức khỏe tâm thần ở Trường ĐH Flinders - Úc), những người sử dụng Internet thường xuyên, nhất là người nghiện Internet thường dễ có xu hướng lệch lạc hành vi. Chính các mối quan hệ trên thế giới ảo cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của họ.

Rối loạn hành vi, tăng động, mất kiểm soát không chỉ dẫn đến các hậu quả với bản thân người bệnh. Lúc này, nó còn có thể đi xa hơn vì chính người bệnh lúc đó lại có thể gây ra những hành động làm tổn thương người khác.

Những hệ luỵ nghiêm trọng từ việc bắt nạt trực tuyến gây ra cho sức khoẻ tâm thần: từ stress nhẹ đến xu hướng tự tử - Ảnh 2.

Có xu hướng tìm đến tự tử

Sau cùng, những hệ luỵ của bắt nạt online khiến người ta bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề nhất, thì các tình trạng bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu hay tăng động... sẽ dẫn đến một hậu quả được cho là nặng nhất, đó chính là tìm đến tự tử.

Tự tử vì bị bắt nạt qua mạng đã xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Các nạn nhân, có người được cứu kịp thời, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp không thể cứu chữa được nữa. Lúc này, những lời nói tưởng như vô tình trên mạng đã thật sự trở thành con dao giết người.

Những hệ luỵ nghiêm trọng từ việc bắt nạt trực tuyến gây ra cho sức khoẻ tâm thần: từ stress nhẹ đến xu hướng tự tử - Ảnh 3.

(Nguồn tham khảo: Mashable, Daily Mail, rsph.org.uk).

Ngay từ bây giờ, để không còn những hậu quả mà bắt nạt online gây ra, thì chấm dứt tình trạng bắt nạt online, bắt nạt trực tuyến là điều vô cùng cần thiết.

“Bye Bye Bully - Ngừng buông lời ác” là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù bạn có là nạn nhân hay một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.

Những hệ luỵ nghiêm trọng từ việc bắt nạt trực tuyến gây ra cho sức khoẻ tâm thần: từ stress nhẹ đến xu hướng tự tử - Ảnh 5.