Nội tạng động vật chứa cả kho dinh dưỡng nhưng phải nhớ 4 điều khi ăn để tránh “lợi bất cập hại”

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 12/05/2024

Nội tạng động vật cũng chứa rất nhiều dinh dưỡng, nhưng chỉ tốt cho sức khỏe nếu chúng ta ăn điều độ và đúng cách.

Về mặt ẩm thực, nội tạng động vật là món ngon “khoái khẩu” với nhiều người. Tuy nhiên, khi nhắc tới những lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại, phần lớn mọi người sẽ nhớ tới các tác động tiêu cực trước. Trên thực tế, nội tạng động vật rất giàu dinh dưỡng, có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nếu ăn biết chọn lọc và ăn điều độ.

Dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe khi ăn nội tạng động vật

Thành phần dinh dưỡng của các loại nội tạng động vật có thể khác nhau dựa vào loại (tim, gan, thận, phổi…) và nguồn động vật. Nhưng nhìn chung, chúng đề cực kỳ bổ dưỡng. Với các chất dinh dưỡng nổi bật như: protein, các axit amin thiết yếu cho cơ thể, các vitamin nhóm B (nhất là B1, B9 và B12), vitamin các nhóm A - D - E - K, khoáng chất (kẽm, sắt, magie, selen…) cùng choline và các chất khác.

Nội tạng động vật chứa cả kho dinh dưỡng nhưng phải nhớ 4 điều khi ăn để tránh “lợi bất cập hại” - Ảnh 1.

Tùy vào từng loại nội tạng, nguồn động vật mà chất dinh dưỡng cũng khác nhau (Ảnh minh họa)

Nhờ vậy, ăn nội tạng động vật điều độ có thể mang tới nhiều lợi ích sức khỏe như:

- Cung cấp năng lượng, giúp no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn.

- Cung cấp protein chất lượng cao cùng các khoáng chất xây dựng cơ bắp.

- Đáp ứng 9 axit amin thiết yếu mà cơ thể cần để hoạt động hiệu quả.

- Tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

- Chứa choline tốt cho não bộ. Giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer nhờ vitamin B1 (Thiamin). Có nhiều nhất trong gan.

- Chứa nhiều sắt, tốt cho máu. Có nhiều nhất trong gan và thận.

- Riboflavin còn được gọi là vitamin B2, là một thành viên quan trọng của họ B - vitamin có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư như ung thư phổi hay ung thư đại trực tràng.

- Giàu khoáng chất và vitamin B12 có tác động tích cực với tim mạch nhờ điều hòa mức homocysteine trong máu.

- Chất béo nội tạng cũng có khả năng hòa tan các vitamin tan trong dầu giúp cho quá trình hấp thu chúng vào cơ thể dễ dàng hơn.

4 lưu ý khi ăn nội tạng động vật để tránh “lợi bất cập hại”

Bên cạnh dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe, nội tạng động vật cũng ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe. Bởi vì chúng chứa nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe, dễ tăng cân do quá nhiều chất và giàu calo, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc và ngộ độc vitamin (thường là vitamin D và vitamin A).

Do đó, cũng giống như các thực phẩm khác, nội tạng động vật chỉ tốt nếu chúng ta ăn đúng cách. Hãy ghi nhớ 4 lưu ý khi ăn để không rơi vào tình trạng lợi ít mà hại nhiều sau đây.

Không nên ăn quá nhiều

Người khỏe mạnh nếu ăn nội tạng động vật với một lượng phù hợp sẽ rất có lợi ích cho cơ thể, nhưng phải kiểm soát số lượng. Người trưởng thành chỉ nên ăn nội tạng 2 - 3 lần/tuần (mỗi lần khoảng 50 - 70g), trẻ em ăn 2 lần/tuần (khoảng 30 - 50g mỗi lần).

Nội tạng động vật chứa cả kho dinh dưỡng nhưng phải nhớ 4 điều khi ăn để tránh “lợi bất cập hại” - Ảnh 2.

Ăn nội tạng động vật điều độ tốt và bổ nhưng ăn quá nhiều sẽ “rước bệnh vào thân” (Ảnh minh họa)

Người không nên ăn nội tạng động vật

Người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp, gout hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật. Phụ nữ có thai, trẻ em nên ăn ít.

Đảm bảo nguồn gốc

Khi mua nội tạng, hãy mua nội tạng động vật tươi, khỏe mạnh và đủ tiêu chuẩn kiểm dịch hoặc nguồn gốc rõ ràng, uy tín. Không được ăn nội tạng của động vật chết vì bệnh tật hoặc không rõ nguyên nhân chết. Không ăn nội tạng có các dấu hiệu lạ về cả mặt ngoại quan, mùi, tính chất…

Chú ý khi chế biến và bảo quản

Nội tạng động vật dễ tiềm ẩn vi khuẩn (E.coli hay vi khuẩn tả, kiết lỵ, thương hàn, lao, bệnh than…) cùng các độc tố tồn dư nên khi chế biến cần vệ sinh kỹ và nấu chín kỹ rồi mới ăn.

Để làm sạch nội tạng động vật, tốt nhất nên rửa sạch dưới vòi nước chảy trước, sau đó ngâm trong nước sạch khoảng 30 phút rồi rửa lại. Trong quá trình chế biến tốt nhất là luôn đeo găng tay, nhất là nếu có vết thương hở. Để thực phẩm sống và chín cách xa nhau, không dùng chung dụng cụ nhà bếp.

Cũng không nên vì sở thích ăn mềm, hương vị khác biệt mà ăn sống hay tái nội tạng động vật. Phải nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm, trong quá trình nấu phát hiện màu hay mùi vị, đặc điểm khác thường đều cần vứt bỏ ngay, không vì tiếc rẻ mà rước bệnh vào thân. Nên chế biến nội tạng kết hợp với các thực phẩm khác để cân bằng dinh dưỡng. Tuyệt đối không ăn nội tạng đã nấu chín để qua đêm, dù bảo quản trong tủ lạnh.

Nguồn và ảnh: QQ, Eat This, Daily Mail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày