Thả hồn vào nông trại ở Đà Lạt, thưởng thức tinh hoa của hành trình làm “nông nghiệp tử tế”

Giang Châu, Theo VTV NEWS 11:29 18/01/2024

Hồng treo gió, kem bơ, cà phê - những đặc sản mang thương hiệu của Đà Lạt đang ngày càng được nâng niu và nâng tầm bởi những con người hướng đến “nông nghiệp tử tế”.

Tôi gặp anh Đặng Tạo vào những ngày cuối năm, khi Đà Lạt lạnh hơn hẳn so với những dịp mùa hè tôi đến trước đó. Cách đây nửa năm, tôi và anh biết nhau qua một hội nhóm về du lịch trên mạng xã hội. Anh hẹn nếu có dịp vào Đà Lạt thì nhớ ghé nông trại của anh để trải nghiệm. Và trải nghiệm ở nông trại của anh thực tế còn tuyệt vời hơn cả những gì tôi biết trước đó qua các bức ảnh.

Anh Tạo bắt đầu pha trà, những bông hoa ngọc lan anh tự sấy dậy mùi thơm thật dễ chịu. Anh lấy thêm hồng treo gió, nho sấy khô để mời tôi thưởng thức. Giữa một không gian yên bình nằm gọn trong rừng thông, nhìn ra xa xa là những ánh đèn rực rỡ của trung tâm TP. Đà Lạt, chúng tôi cảm thấy đủ nhẹ nhõm và thi vị để nói về câu chuyện nguồn gốc của các thức quà đang đặt trên bàn.

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng anh Đặng Tạo đã có gần 20 năm học tập và làm việc tại Đà Lạt. Năm 2013, bỏ công việc ổn định, anh thuê đất cách trung tâm Tp. Đà Lạt 20km để làm vườn. Đến nay, nông trại của anh đã có diện tích lên đến 10ha, phát triển theo hướng vườn rừng với cơ cấu cây đa tầng: cây gỗ nhiều năm (lim, lát, cẩm lai); cây dược liệu (quế, chiên đàn); các loại cây ăn trái nhiều năm (cafe arabica/moka, mít, bơ) hay ngắn ngày (chuối, chanh dây); xen lẫn là các loại cây lấy hương làm trà (chè, mộc trà, ngọc lan, hoa hồng, lài) và một số loại cây ăn trái có tính đặc trưng vùng miền, hoa cây cảnh (phượng tím, anh đào, mimosa, tre, trúc…).

Theo anh Tạo, anh bắt đầu có sự chuyển dịch qua nông nghiệp tử tế từ năm 2016, nhưng phải đến năm 2019 thì mới xác định rõ ràng sứ mệnh kết nối con người với thiên nhiên, bằng việc xây dựng không gian và trải nghiệm sống thông qua các sản phẩm nông nghiệp tử tế. Lý tưởng của anh xuất phát từ cả cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Anh chia sẻ: "Chúng ta đều biết ngành nông nghiệp có hóa chất tác động trực tiếp tới sức khoẻ, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu cực lớn. Với lòng biết ơn thiên nhiên luôn che chở, cho chúng ta cái ăn và không gian sống xanh, chúng ta càng cần trân trọng và bảo vệ thiên nhiên. Tôi đã thay đổi mô hình sản xuất: không sử dụng hoá chất và các thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng sự đa dạng sinh học trong không gian sản xuất bằng việc trồng xen canh, đa tầng; hướng tới các sản phẩm nông sản sạch và không gian sống xanh".

Anh Tạo rất tự hào với hai sản phẩm mà anh tạo ra tại farm của mình là hồng treo gió và kem bơ. Theo đó, hồng được thu hoạch giữa vụ khi thời tiết nắng tốt và trái hồng đủ lượng đường. Tiếp đến là các công đoạn tỉ mỉ: gọt, treo, chăm sóc trong suốt 20 - 28 ngày bởi bàn tay những người nghệ nhân được đào tạo bởi các chuyên gia của Nhật Bản hỗ trợ về quy trình sản xuất. Trái hồng được treo trong nhà kính với gió và ánh sáng tự nhiên thoáng mát để cho ra hồng treo gió hoàn toàn không sử dụng nhiệt hay hoá chất.

Thả hồn vào nông trại ở Đà Lạt, thưởng thức tinh hoa của hành trình làm “nông nghiệp tử tế” - Ảnh 2.

Anh Đặng Tạo thu hoạch những trái hồng tươi ngay tại vườn nhà mình

Còn bơ là loại cây đặc trưng du nhập vào Đà Lạt từ những năm 1940. May mắn là trang trại Berry vẫn đang còn giữ lại những giống bơ nguyên thuỷ thời đó. Anh mong muốn mang lại đúng vị nguyên bản của trái bơ, thông qua điểm chạm vật lý là kem bơ, mọi người có thể cảm nhận được hương vị, không gian và ký ức về Đà Lạt xưa.

Kem Bơ DALAT 1940s ra đời được làm theo dòng gelato, giữ được hương vị, độ dẻo thơm của bơ, hậu vị chát nhẹ để quân bình tính âm dương cho người ăn

Sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch trên toàn cầu đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Một số người có thể làm việc online, nhiều người gặp tổn thương tâm lý nên cần được "chữa lành", và từ đó muốn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc kết nối với thiên nhiên.

Farmstay xuất hiện như một làn gió mới hấp dẫn "chiếm sóng" các loại hình du lịch nghỉ dưỡng trước đây. Đây là mô hình kết hợp giữa "farm" - nông trại và "homestay" - khu lưu trú tại địa phương. Nhiều bạn trẻ hướng đến farmstay để ở dài ngày, vừa được gần gũi với thiên nhiên, vừa có thể làm việc để kiếm thêm thu nhập.

Với mong muốn tạo ra không gian và trải nghiệm sống tại vườn, anh Đặng Tạo đã đầu tư các phòng nghỉ là nhà gỗ hoặc lều camping. Theo anh, dù hướng về thiên nhiên nhưng vẫn cần đảm bảo tiện ích sống cho du khách. Anh cũng khuyến khích mọi người đến đây có thể tự tay chăm sóc vườn tược, thu hoạch rau trái, nấu những bữa ăn thuận tự nhiên từ các thức quà mà đất trời ban tặng. Từ đó có thể giúp mọi người thay đổi nhận thức, đi để thêm "trân trọng" và "biết ơn".

Nhiều hoạt động cộng đồng, workshop thường xuyên được tổ chức tại farmstay

Đến nông trại của anh Tạo, tôi gặp được nhiều người thú vị với những câu chuyện của riêng mình. Bạn Giang vừa nghỉ việc nên đến đây sống 1 tháng để thư giãn, bồi đắp bản thân. Bạn Thuận làm việc tự do và thường xuyên đi đây đi đó, mỗi nơi bạn ở 1 - 2 tuần. Còn chị Văn Thị Kim Sa, một người viết tự do đang trên hành trình đi du mục để trải nghiệm và viết lách thì chọn Berry bởi ở đây có câu chuyện truyền cảm hứng. Chị chia sẻ: "Mình muốn tìm tới farm một là để tận hưởng, hai là có chất liệu hay để viết. Mình phải tìm hiểu kỹ để hiểu giá trị cốt lõi của farm như thế nào. Mỗi farm mình sẽ ở từ 3 - 6 tháng để xem những gì họ nói có đúng với thực tế không". Cũng theo chị Sa, chị có thể hỗ trợ các công việc như chụp hình, làm truyền thông, bán hàng,…còn farm cho chị không gian để ở, thực phẩm để ăn. Hai bên tương hỗ cho nhau để cùng chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Thả hồn vào nông trại ở Đà Lạt, thưởng thức tinh hoa của hành trình làm “nông nghiệp tử tế” - Ảnh 5.

Chị Văn Thị Kim Sa luôn có cảm hứng tích cực khi được làm việc giữa lòng thiên nhiên

"Nông nghiệp tử tế" hay "Du lịch tử tế" là những cách gọi rất hay, hướng đến việc kết nối con người với thiên nhiên, kết nối con người với con người. Dù ở đâu, chỉ cần ăn những thức quà tinh túy của Đà Lạt thì người ta cũng có thể cảm nhận được đặc trưng của mảnh đất này dù chưa từng đặt chân đến. Còn với tôi, thưởng thức hồng treo gió dai ngọt cùng chén trà hoa ngọc lan buổi tối, nhấm nháp ly kem bơ lành lạnh trong buổi trưa nắng nhẹ, dường như tôi đã có những điểm "chạm" vào Đà Lạt cổ xưa và tinh khiết nhất.