Tìm hiểu chườm nóng, chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau

Lệ Ngân, Theo Trí Thức Trẻ 12:39 02/04/2017

Bạn hãy chắc rằng bản thân có đủ hiểu biết về tính chất của 2 cách chườm để có lựa chọn sáng suốt trong từng cơn đau nhé!

Chườm nóng hoặc chườm lạnh là phương pháp phổ biến được mọi người sử dụng khi bị chấn thương không rách da hoặc gặp phải các cơn đau nhẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lúc nào thì nên chườm nóng và lúc nào thì nên chườm lạnh. Việc này rất dễ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn và khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn do chườm sai cách. Vậy nên, bạn hãy chắc rằng bản thân có đủ hiểu biết về tính chất của 2 cách chườm để có lựa chọn sáng suốt trong từng cơn đau nhé!

Khi nào thì nên chườm nóng?

Theo các chuyên gia, chườm nóng là phương pháp điều trị cho các tổn thương đã xảy ra trên 48 tiếng đồng hồ, có tác dụng làm giãn mạch máu, mang máu vào khu vực tổn thương để kích thích chữa lành các mô hỏng. Nhiệt độ sẽ giúp các mạch máu giãn nở, từ đó cải thiện quá trình lưu thông máu và đẩy nhanh quá trình giảm đau.

Như vậy, bạn có thể áp dụng chườm nóng trong việc xua tan các cơn mỏi vai cổ, các vết bầm tím lâu tan, chườm sau khi bị chuột rút hoặc căng cơ...

Tìm hiểu chườm nóng, chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau - Ảnh 1.

Một số lưu ý khi chườm nóng:

- Không chườm quá lâu, túi chườm không nên quá nóng dễ gây bỏng.

- Nên chườm tại vùng bị tổn thương qua 1 lớp quần áo.

Tìm hiểu chườm nóng, chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau - Ảnh 2.

Khi nào thì nên chườm lạnh?

Chườm nước đá hay chườm lạnh là một cách xử lí cơn đau với nguyên lý hoàn toàn ngược lại so với chườm nóng. Chườm lạnh thường được áp dụng khi gặp phải các chấn thương đột ngột bởi nó giúp giảm sưng đau tức thì. Thêm vào đó, chườm lạnh sẽ hạn chế dòng chảy của máu dưới vùng da chườm nên sẽ có tác dụng gây tê, giảm áp lực trên mặt vết thương và giảm đau.

Một số cơn đau bạn nên áp dụng chườm lạnh: bong gân, trật khớp, vết bầm tím tức thời do quá trình vận động mạnh, đau răng, các vết sưng do côn trùng cắn, bỏng da nhẹ...

Tìm hiểu chườm nóng, chườm lạnh phù hợp với từng cơn đau - Ảnh 3.

Một số lưu ý khi chườm lạnh:

- Không nên đặt trực tiếp đá viên lên vết thương mà nên bọc đá trong 1 túi nước đá hoặc 1 chiếc khăn bông mỏng.

- Khi chườm lạnh, bạn cần kiểm tra sự thay đổi về màu trên vùng da. Nếu da trở nên đỏ ứng thì bạn cần lấy túi đá ra để tránh bị bỏng lạnh.

Nguồn: Theindianspot