Tin tốt lành với phụ nữ Ả Rập: Giờ đây họ có thể đi du lịch, đi học mà không cần xin phép đàn ông

Skye, Theo Thời Đại 17:01 07/05/2017

Quyết định này đã được đưa ra bởi Quốc vương Salman. Đây được coi là một trong những bước ngoặt lớn trong công cuộc đem lại bình đẳng cho phụ nữ tại Ả Rập.

Theo trang Daily Mail đưa tin, Quốc vương Ả Rập Xê Út đã đưa ra một điều khoản cho phép phụ nữ Ả Rập có nhiều quyền hơn trong cuộc sống của mình bằng cách nới lỏng đạo luật nam giới giám hộ tại quốc gia này. Đây được coi là một bước đi tiếp theo trong công cuộc đem lại bình đẳng cho phụ nữ.

Từ trước tới nay, Ả Rập Xê Út nổi tiếng là một trong những quốc gia bất bình đẳng giới nhất trên hành tinh, nơi mà phụ nữ luôn phải sống dưới sự giám sát của nam giới. Họ không thể lái xe và phải đeo mạng che mặt tại nơi công cộng.

Tin tốt lành với phụ nữ Ả Rập: Giờ đây họ có thể đi du lịch, đi học mà không cần xin phép đàn ông - Ảnh 1.

Trước đây, phụ nữ Ả Rập luôn cần có người giám hộ là nam giới khi đi ra ngoài đường.

Những người phụ nữ cũng cần có sự đồng ý của nam giới để đi du lịch, đi học và đi tới bệnh viện.

Tuy nhiên, truyền thông địa phương mới đây đã cho biết Quốc vương Salman đã đưa ra một điều khoản cho phép phụ nữ được hưởng những phúc lợi xã hội tương tự như đàn ông mà không cần sự đồng ý của họ. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, trong nhiều trường hợp, phụ nữ Ả Rập có thể được đi học và đi bệnh viện, làm việc trong các công ty tư nhân hay nhà nước, đâm đơn kiện ra hầu tòa... và nhiều việc khác mà không cần người giám hộ nam. Đây được coi là một cánh cửa hy vọng mới mở ra cho phụ nữ Ả Rập.

Quyết định này là một trong những động thái gần đây nhất của Ả Rập Xê Út với mong muốn đa dạng hóa lực lượng lao động, phát triển nền kinh tế mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào dầu.

Tin tốt lành với phụ nữ Ả Rập: Giờ đây họ có thể đi du lịch, đi học mà không cần xin phép đàn ông - Ảnh 2.

Quyết định được đưa ra bởi Quốc vương Salman.

Phong trào này bắt đầu từ năm 2011 khi Quốc vương Abdullah cho phép phụ nữ làm việc trong hội đồng cố vấn chính phủ. Phụ nữ có thể bầu cử cấp thành phố, làm việc trong một số ngành bán lẻ và du lịch. Đến năm 2012, phụ nữ Ả Rập đã được tham gia Olympic lần đầu tiên.

Tuy nhiên, Ả Rập vẫn xếp hạng 141/144 quốc gia trong bảng xếp hạng bất bình đẳng giới toàn cầu. Để có thể mang lại tự do và bình đẳng hoàn toàn cho phụ nữ Ả Rập, các nhà hoạt động xã hội sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa.