Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ!

Ngọc Diệp, Theo Thời Đại 07:04 12/10/2017

Thủ khoa không phải là cái gì ghê gớm trong xã hội 4.0 này, khi mà bằng tiến sĩ cũng lạc hậu ngay ở ngày hôm sau. Khi không có những điều kiện vượt trội về nhân thân, tài chính, kỹ năng thì phải cố gắng nhiều hơn chứ không phải tối ngày sướt mướt.

Cũng là một người từng tốt nghiệp Sư phạm bằng giỏi và có nhiều năm theo dõi ngành Sư phạm, tôi đã thực hiện một số cuộc khảo sát với nhiều người từng tốt nghiệp bằng giỏi tại trường Sư phạm và muốn gửi đến độc giả những câu chuyện như sau.

Chuyện của Ngân: Có bằng giỏi, vẫn kiên trì làm gia sư vì mức lương giáo viên ở trường Quốc tế quá... "bèo"

Thu Ngân tốt nghiệp khoa Văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội bằng giỏi cách đây 12 năm. Dù có bằng giỏi nhưng hoàn toàn không dễ dàng để kiếm được một suất vào trường công lập, cô đã muốn bỏ về quê ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang.

Thế nhưng khi cô muốn quay về, chính bố mẹ cô dù chỉ có mỗi cô con gái lại phản đối bởi ở quê hoạt động dạy và học còn rất nhiều hạn chế. Bố mẹ Ngân chỉ làm nông dân nghèo, vì vậy cũng không mơ gì việc có khả năng xin được việc cho con gái. Tỉnh nhà đã đủ giáo viên, nếu chờ biên chế sẽ mất vài năm. Chính vì vậy, bố mẹ đành chấp nhận bỏ thêm tiền hỗ trợ giúp con gái ở lại Hà Nội tìm việc.

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên chấp nhận ở lại thành phố tìm việc sau khi đã học xong (Ảnh minh họa).

Ngân bắt đầu chuỗi ngày tìm đến các trung tâm gia sư để kiếm thu nhập tạm thời trong lúc chờ kiếm được việc làm. Một ngày làm việc của Ngân bắt đầu với khoảng từ 2 đến 3 ca dạy gia sư tại các nhà dân, nhà ở Cầu Giấy nơi cô trọ, nhà ở mãi Linh Đàm, thậm chí có nhà phải sang tận Gia Lâm. Mỗi ca dạy Ngân được trả 150 nghìn cho 2 tiếng, hoặc có nhà chỉ trả 120 nghìn nhưng cô vẫn chấp nhận.

Ngân bé nhỏ, chỉ cao hơn mét rưỡi, sức khỏe lại không được tốt nhưng chưa một lúc nào cô nản lòng. Không phải ngày nào cũng có thể có đủ sức để dạy 3 ca. Cuối tuần, Ngân cũng tự cho phép mình được nghỉ trọn vẹn một ngày Chủ Nhật để tiếp tục học hành, chuẩn bị nộp hồ sơ, phỏng vấn vào bất kỳ trung tâm tiếng Anh, công ty hay trường tư thục nào mà Ngân có thể tìm được.

Sau một năm cố gắng, Ngân được nhận vào một trường Quốc tế khá nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc sống ở trường Quốc tế này cũng không dễ dàng bởi họ trả lương kể cả cho giáo viên bằng giỏi như Ngân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Thế là sau nửa năm đi dạy ở đây, Ngân xin nghỉ, lại tiếp tục con đường đi làm gia sư.

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 2.

Ngân quay trở lại công việc gia sư sau khi rời bỏ ngôi trường Quốc tế do mức lương quá "bèo" (Ảnh minh họa).

Thêm một năm trôi qua với các ca dạy gia sư liên miên, Ngân được nhận vào một trường tư ở quận Cầu Giấy. Và chính ở nơi này, Ngân cảm thấy hài lòng. Đến thời điểm hiện tại, Ngân cho biết Ngân hạnh phúc vì mình đã cố gắng hết sức để được làm đúng ngành nghề đào tạo, có mức lương đủ trang trải cho gia đình với hai con nhỏ ở thành phố.

Ngân xuất thân từ gia đình làng quê nghèo đã vậy, còn trường hợp Minh Anh dưới đây dù có đủ điều kiện nhưng vẫn muốn được đứng trên đôi chân của mình để làm nghề.

Chuyện của Minh Anh: Cãi bố mẹ, 10 năm sau làm quản lý 2 trung tâm ngoại ngữ

Minh Anh tốt nghiệp khoa Anh Đại học Sư phạm Hà Nội bằng giỏi cách đây 11 năm (khóa 52 của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1). Bố mẹ của Minh Anh làm giảng viên trong trường đã mấy chục năm, đồng thời cũng có nhiều quan hệ trong ngành giáo dục, chính vì vậy cũng hoàn toàn không khó để cho Minh Anh có thể kiếm được một chỗ làm đẹp trong ngành, đúng theo nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Anh lại có suy nghĩ khác.

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 3.

Minh Anh xuất thân từ gia đình có điều kiện nhưng cô lại không muốn mang danh "núp bóng" (Ảnh minh họa).

Suốt nhiều năm, dù thực lực tự thi và tự học để vượt qua các kỳ thi và được bằng giỏi, nhưng người ta luôn nói rằng Minh Anh núp bóng gia đình, rằng nếu ra ngoài cô sẽ không thể tồn tại được. Ban đầu, sức ép của bố mẹ quá lớn, Minh Anh đi dạy tại một trường đại học trong một năm. Nhưng vẫn muốn chứng tỏ được khả năng của bản thân và muốn yêu thích tự do nhiều hơn, Minh Anh đã quyết định bỏ trường đi dạy toàn thời gian ở trung tâm ngoại ngữ.

Quyết định này của Minh Anh đã khiến bố mẹ nổi giận vì Minh Anh đang có những điều kiện tốt nhất mà người ta có thể mơ ước, nhưng cuối cùng Minh Anh vẫn ra đi để chứng minh cho năng lực bản thân.

Môi trường trung tâm ngoại ngữ cũng như doanh nghiệp không hề dễ sống, không ai quan tâm bố mẹ Minh Anh là ai, cô bị mắng mỏ rất nhiều, thường xuyên phải làm thêm giờ. Có nhiều bố mẹ các cháu khó tính đòi hỏi các cô rất mệt mỏi nhưng Minh Anh luôn cố gắng.

Cuối cùng, bằng chính năng lực và trình độ của mình, 10 năm sau, Minh Anh không chỉ còn là giáo viên bình thường của trung tâm ngoại ngữ mà cô được làm quản lý của hai trung tâm ngoại ngữ thuộc một tập đoàn giáo dục với mức lương rất đáng mơ ước. Minh Anh cho biết cô chưa bao giờ ân hận vì đã cố gắng đứng bằng đôi chân của mình.

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 4.

Nhiều năm sau, cô gái trẻ hài lòng với những gì bản thân mình tự làm được (Ảnh minh họa).

Không chỉ hai trường hợp bằng giỏi trên mà còn rất nhiều trường hợp theo tôi được biết, những cử nhân tốt nghiệp bằng giỏi, khá từ các trường Sư phạm đã rất nỗ lực trụ lại với nghề.

Chuyện của Thắng: Tốt nghiệp Sư phạm loại trung bình, trở thành quản lý kinh doanh của một công ty bất động sản lớn

Cơ hội ngày nay cũng khác xưa rất nhiều. Nếu cách đây mười năm khi các trường tư và trung tâm, công ty kinh doanh dịch vụ giáo dục chưa nhiều như hiện nay, cơ hội cho sinh viên sư phạm nếu không vào các trường công lập còn hạn chế, thì từ khoảng 5 năm trở lại đây, chỉ cần tốt nghiệp bằng loại khá trở lên, đặc biệt với năm môn chính bao gồm Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, sinh viên không khó kiếm được một vị trí giảng dạy tại các trường tư với mức lương đủ sống.

Đối với nhiều sinh viên khác không theo nghề có thể vì không thích, có thể cũng vì không kiếm được việc làm, cũng không ít người đã nỗ lực và thành công trong nghề khác có sử dụng kỹ năng của người học Sư phạm.

Trường hợp của Quang Thắng thuộc nhóm này. Bản thân Thắng không hề thích ngành Sư phạm khi Thắng vào trường mà đơn giản vì bố mẹ Thắng muốn con trai đi học Sư Phạm ở Hà Nội rồi sau đó về quê dạy ngoại ngữ. 4 năm học Sư phạm, Thắng chỉ tốt nghiệp bằng trung bình. Từ chối bố mẹ, Thắng quyết bám trụ lại Hà Nội.

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 5.

Thắng quyết bám trụ lại Hà Nội với công việc không hề liên quan đến Sư phạm (Ảnh minh họa).

Trong lúc chưa biết làm gì với tấm bằng trung bình, Thắng xin đi tư vấn bất động sản. 15 năm sau khi ra trường, Thắng hiện đang làm quản lý bộ phận kinh doanh của một công ty bất động sản lớn ở Hà Nội.

Kiến thức học được từ trường Sư phạm, theo Thắng, chính là kỹ năng làm việc với con người, và vốn ngoại ngữ đủ dùng để Thắng giao tiếp với khách nước ngoài – yếu tố này đã giúp Thắng trở nên khác biệt với rất nhiều nhân viên môi giới bất động sản khác vốn không hề biết ngoại ngữ.

Những người trẻ đừng "ăn vạ" xã hội nữa

Suốt nhiều thập niên qua, chính phủ đã bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên ngành Sư phạm. Ở hiện tại, trong khi sinh viên các trường khác kể cả trường công lập đau đầu với vấn đề học phí cao thì riêng sinh viên Sư phạm vẫn được miễn học phí.

Đã được ưu đãi trong lúc học và đến lúc ra trường vẫn tâm lý trông chờ vào biên chế để nhà nước để tiếp tục ưu đãi lần hai về công việc, như vậy là ưu đãi kép, và liệu có công bằng với sinh viên các ngành khác vẫn tự lực học, tự lực kiếm việc?

Từ chối nhiều cơ hội công việc để nhất nhất vào được biên chế, đó không phải ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ! - Ảnh 6.

Sinh viên các ngành khác vẫn tự lực học, tự lực kiếm việc (Ảnh minh họa).

Từng sống và làm việc ở Nhật bản cũng như một số nước phương Tây khác trong một số năm, tôi dám khẳng định rằng với tâm lý trông chờ vào người khác, cơ chế như vậy thì dù trong xã hội nào cô bé bằng giỏi cũng sẽ vẫn phải ngồi nhà. Cô bé có thấy xấu hổ khi nghĩ đến những thanh niên phương Tây 18 tuổi xách balo ra khỏi nhà tự cày ngày, cày đêm lo đủ tiền đóng học, rồi lao đầu đi xin việc không?

Hoặc ngay chính nước Nhật này, sinh viên đã lao sùng sục đi xin việc từ đầu năm thứ ba, trải qua quá nhiều sợ hãi, lo lắng để kiếm bằng được việc trước khi tốt nghiệp sau đó một năm. Trong số đó khá nhiều người điều kiện gia đình không hề kém.

Để kết lại bài viết, xin mượn lời nhà báo Hoàng Linh về vụ việc cô bé thủ khoa về quê chăn lợn. Nhà báo Hoàng Linh viết: những người trẻ đừng "ăn vạ" xã hội nữa. Chính phủ có trách nhiệm kiến tạo việc làm cho cả xã hội chứ không phải cho cá nhân.

Thủ khoa không phải là cái gì ghê gớm trong xã hội 4.0 này, khi mà bằng tiến sĩ cũng lạc hậu ngay ở ngày hôm sau. Khi không có những điều kiện vượt trội về nhân thân, tài chính, kỹ năng thì phải cố gắng nhiều hơn chứ không phải tối ngày sướt mướt.

Một điều đáng báo động nữa là nhiều người trẻ từ chối những cơ hội khác để chui bằng được vô biên chế và "ngủ đông" trong đó. Tôi đọc được cô thủ khoa mới đây đã có vài doanh nghiệp mời làm việc, vài trường mời về dạy kể cả trường tư nhân BigSchool. Nhưng cô ấy từ chối, nhất nhất phải về quê dạy vì ước mơ làm cô giáo, và để vô cái biên chế nhà nước cho an phận. Và đó tôi cho rằng không phải là một ước mơ lành mạnh của tuổi trẻ.

Cộng đồng cũng phải sòng phẳng, đừng quá xúc động, chiều lụy theo phong trào. Một cơ hội cho người này cũng là mất cơ hội cho người khác, hãy dành cơ hội cho người xứng đáng, phải chiến đấu để giành được chứ không vì "ăn vạ".

*Bài viết thể hiện quan điểm của chị Ngọc Diệp - một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày