Vụ tự ý tô vẽ giếng cổ ở Đường Lâm: Xử phạt đoàn phim hài Tết, tăng cường quản lý các đoàn công tác tới làng cổ

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 10/11/2021

Đại diện đoàn làm phim hài Tết tự ý tô vẽ giếng cổ tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vừa bị UBND xã xử phạt vi phạm hành chính.

UBND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội vừa có quyết định xử phạt đối với ông Trương Đức Thắng, thành viên đoàn làm phim xâm phạm giếng cổ Mông Phụ, thuộc khu vực bảo vệ I, trong di tích Quốc gia làng cổ Đường Lâm.

Theo đó, ông Thắng bị xử phạt 2 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính: viết vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 38/2021/ND-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.

Đồng thời, ông Thắng và đoàn làm phim phải khôi phục lại "hiện trạng ban đầu" của giếng cổ bên đình làng Mông Phụ.

Ông Trương Đức Thắng cho biết, khi về làm việc tại làng cổ Đường Lâm, đoàn mới chỉ báo cáo chính quyền địa phương "bằng miệng", chưa báo cáo Ban Quản lý di tích làng cổ. Ông Thắng thừa nhận "thiếu sót" và "nghiêm túc rút kinh nghiệm", mong muốn "chính quyền địa phương và người dân thông cảm".

Vụ tự ý tô vẽ giếng cổ ở Đường Lâm: Xử phạt đoàn phim hài Tết, tăng cường quản lý các đoàn công tác tới làng cổ - Ảnh 1.

Giếng đình Mông Phụ bị đoàn làm phim tô, vẽ để dựng bối cảnh (Ảnh: FB)

Vụ tự ý tô vẽ giếng cổ ở Đường Lâm: Xử phạt đoàn phim hài Tết, tăng cường quản lý các đoàn công tác tới làng cổ - Ảnh 2.

Giếng cổ đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm được chụp sáng 9/11 sau khi đoàn làm phim đã tẩy rửa

Trước đó, ngày 7/11, người dân làng cổ Đường Lâm bức xúc khi phát hiện một đoàn làm phim hài Tết đã tự ý tô màu, làm mới giếng cổ nổi tiếng ở đình Mông Phụ. Để xây dựng bối cảnh cổ xưa, các thành viên của đoàn phim đã dùng vôi ve màu đỏ phủ lên bề mặt giếng, dùng bút vẽ màu đen phủ trát để tạo hình viên đá ong.

Sau phản ánh của dân làng, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng cán bộ xã đã tới hiện trường để giải quyết vụ việc, yêu cầu dừng những hành vi xâm phạm di tích và trả lại "hiện trạng ban đầu" cho giếng đình. Đến chiều 8/11, đoàn làm phim đã dùng nước rửa đi lớp vôi vẽ trên thành giếng, tuy nhiên cũng đã vô tình "phủi bay" lớp rêu phong cổ kính lâu năm của di tích. Ngoài ra, giếng xuất hiện nhiều vết cọ rửa lem nhem, nguệch ngoạc.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết, ngày 6/1 đoàn làm phim đến làng cổ Đường Lâm chỉ làm hợp đồng với đại diện gia đình nhà cổ, nhưng không báo cáo chính quyền địa phương. Xã Đường Lâm đã lập biên bản vụ việc gửi Phòng Văn hóa của xã tham mưu hình thức xử phạt.

Theo ông Dũng, trước đây, các đoàn làm phim hay đoàn công tác đến làng cổ Đường Lâm đều phải làm việc với chính quyền, xuất trình giấy giới thiệu và báo cáo về chương trình của họ. Phía xã sẽ cử cán bộ giám sát các hoạt động để không ảnh hưởng tới di tích.

"Chúng tôi đã họp bàn rút kinh nghiệm, yêu cầu đoàn phim dừng hoạt động và thống nhất quản lý chặt chẽ hơn các đoàn đến Đường Lâm. Đồng thời tuyên tuyền các hộ gia đình có nhà cổ nếu nhận các đoàn đến làm việc phải báo cáo xã và công an, để vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa phòng, chống dịch Covid-19", ông Dũng nói.

Về quan điểm cá nhân, ông Dũng bày tỏ "không hiểu những người làm văn hóa như đoàn phim lại làm sai văn hóa". Xã Đường Lâm sẽ tuyên truyền bà con về quy trình bảo tồn, giữ gìn di tích. Đồng thời, Ban Quản lý di tích kết hợp giám sát và bảo vệ di tích, đề ra quy chế, quy định rõ ràng đối với người dân và du khách.

"Chúng tôi sẽ đề xuất mức quy định và xử phạt, công khai treo ở các khu di tích để khuyến cáo người dân không được phép xâm phạm", ông Dũng nhấn mạnh.

Nằm cách Hà Nội hơn 50 km, làng cổ Đường Lâm là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Đây là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, ngày 19/5/2006.

Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán, và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.

Ngày nay, làng Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi. Hệ thống đường sá của Đường Lâm rất đặc biệt vì chúng có hình xương cá.

Đình Mông Phụ là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống, được xây dựng năm 1533 trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng, rộng khoảng 1.800m2. Về sau, đình được tôn tạo, tu sửa vài lần; nhưng vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc ở đầu thế kỷ 19.

Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1984.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày