Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: "Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa!"

TAD - DESIGN: TRƯỜNG DƯƠNG, Theo Helino 10:18 26/10/2019

Sau tất cả, bạn phải làm gì để vượt qua cyber bully? Hãy cùng Tạ Quốc Kỳ Nam tìm ra câu trả lời nhé.

Chẳng ai muốn bị cười cợt, bị chỉ trỏ, bị đem ra "mua vui" cho tập thể nào đó khẩu nghiệp cả. Chẳng ai cả. 

Một câu nói vô tình, một nhận xét bâng quơ, đều có thể trở thành nguyên nhân cho một vết thương lòng có thể mất vài năm để xoá nhoà. Vậy phải làm như thế nào để vượt qua, hay chí ít là đối mặt với những "sát thủ mạng" ngay lúc bạn trở thành nạn nhân của bắt nạt online đó?

Graphic designer Tạ Quốc Kỳ Nam là một cái tên được khá nhiều người biết đến trên MXH. Bên cạnh những artwork của mình thì anh còn được biết đến là tác giả của nhân vật Hoy Đi Nha vô cùng nổi tiếng năm nào, đồng thời là một influencer có sức ảnh hưởng nhất định. Những bài đăng vui vẻ, tếu táo của Kỳ Nam luôn nhận về lượng tương tác lớn, anh chàng cũng luôn giữ một hình ảnh tích cực trên MXH. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng giống như bao influencer khác, Kỳ Nam cũng đã từng có một khoảng thời gian vật lộn với những bình luận công kích, xúc phạm mình đến từ những nhân vật giấu mặt ngồi sau bàn phím. 

Mới đây nhất, bằng những trải nghiệm trong quá khứ của mình, Tạ Quốc Kỳ Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện bắt nạt online (cyber bully). Nếu đã và đang là một nạn nhân thì rất có thể bạn sẽ tìm được cho mình vài lời khuyên hữu ích từ câu chuyện của anh chàng đấy! 

Nguyên văn bài đăng trên Facebook của Kỳ Nam: 

"Hai điều tệ nhất bạn có thể làm với chính mình khi bị cyber bully: muốn biết mọi thứ người ta đang nói về mình, và tìm cách đáp trả từng công kích.

Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa! - Ảnh 1.

Thật khó vì khi còn trẻ, chúng ta thường muốn biết người khác đang nói gì về mình. "Ủa block nó rồi nó nói gì nữa sao mình biết?". Nhưng biết để làm gì, câu trả lời rất rõ ràng rồi nè: nói xấu.

Mình hay trích một câu trong phim Mean Girls: "Khi bị rắn độc cắn, việc đầu tiên cần làm không phải là cắn lại con rắn mà là rút nọc độc ra". Con rắn chỉ mất 1 giây để cắn, một người xa lạ chỉ mất 30 giây để gõ ra một câu sát thương nhưng bạn phải mất có khi vài ngày tới hàng tháng chỉ để không còn bị ám ảnh bởi những lời nói đó.

Đừng tạo điều kiện cho nọc độc chạm tới mình, cũng đừng để bị nó dắt mũi.

"Nhưng không nói gì thì tức! Nó tưởng nó hay nó đúng! Phải nói chứ!"

Nhưng nói tới khi nào khi bản án trong đầu họ đã tuyên? Nói bao nhiêu cho xuể khi 5 người, 10 người, 100 người góp mỗi người 5 giây để bắt nạt bạn còn bạn thì chỉ có một mình? Đó là một bàn thua trông thấy.

Mình từng là nạn nhân của cyber bully. Dạo đó bạn bè trong ngành thiết kế bảo là kéo Facebook chỉ thấy toàn những status ném đá mình. Báo chí cũng đưa tin hoài. Sau vài ngày bị tra tấn bằng từ ngữ và lời phong thanh, mình inbox bạn bè kêu không cần gửi link báo cho Nam nữa vì không muốn đọc, Facebook nào đang chửi bới thì báo Nam biết để Nam block chứ không cần xem. Tầm vài tuần sau thì chuyện lắng xuống và mình vượt qua nó với ít xây xước nhất có thể. Dù cũng không tránh khỏi vài vết trong lòng, mất khá lâu để lành.

Cách xử lý của mình trong câu chuyện cũ là: chọn lọc kĩ những gì mình muốn giải thích nhất và nói một lần thôi. Nói cho những người tôn trọng và quan tâm mình đỡ hoang mang chứ không phải nói cho những đối tượng kia vì họ không nghe đâu và chỉ chăm chăm tìm cái để bắt bẻ.

Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa! - Ảnh 2.

Giờ nghĩ lại mình tự hào nhất ở chỗ đã vượt qua từng đợt thị phi mà không khẩu chiến 1-1 với ai. Quyền lực nằm về phía mình vì mình là người chủ động block. Bạn có thể viết 100 điều xấu xa về mình nhưng mình đã quyết định sẽ không đọc bất cứ lời nào. Lêu lêu.

Ít lâu sau một chị bạn ra sách và bị ném đá. Chị hỏi mình kinh nghiệm. Mình trích lại câu trong phim "Mean Girls" và kêu chị nếu có gì muốn bảo vệ cuốn sách về mặt chuyên môn thì hẵng nói vì chị nợ cuốn sách và những người tin yêu chị, chứ chị không mắc nợ kẻ thù. Đừng nhắc tới những thoá mạ sỉ nhục, đừng cất công đi dự từng phiên toà đấu tố. Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa.

Các bạn có lẽ ai cũng từng là nhân vật mang tên "con đó" trong một status. Chắc cũng từng tức điên lên và muốn nhảy vào reply một câu hay một cái sớ thật đắt giá dưới một cái comment đúng không? Mình khuyên thật lòng: Khi bạn có một ngàn lý lẽ để phản hồi là lúc bạn không cần phải phản hồi nữa. Cái đúng chưa bao giờ cần lời thanh minh

Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa! - Ảnh 3.

Mình từng là người bắt nạt người khác. Hồi còn sinh viên, mình đăng đàn kể lể vì sản phẩm của mình không được chọn vì một hiểu lầm trong giao tiếp với khách hàng. Bạn mình comment hùa theo bênh mình, mình theo đó lộng gió mà hạ thấp sản phẩm lẫn khả năng của cô gái kia. Bạn ấy đọc được vào hỏi mình tại sao lại thoá mạ bạn ấy tệ hại như vậy. Háo thắng, mình không nhận mình sai mà lấy lý do tại sản phẩm của bạn quá tệ còn của tôi tốt hơn nên tôi có quyền nói.

Nhưng cô gái và sản phẩm của cô không sai, cô chỉ làm theo đặt hàng và trong khả năng chứ đâu có mục đích cá nhân gì với mình. Suy nghĩ không thấu đáo và thiếu cảm thông, mình trở thành chính đối tượng sẽ tấn công mình trong tương lai. Tới giờ mình vẫn còn áy náy mà không tìm ra được người để xin lỗi. Nếu bạn còn nhớ, mình xin lỗi bạn.

Những người bắt nạt bạn chỉ có một mục đích duy nhất: Hạ thấp giá trị của bạn. Đừng hùa theo họ bằng cách tin những lời nói đó dù đôi khi bạn cũng sẽ hoang mang xét lại chính mình. Giá trị của bạn chỉ có thể do bạn tự đánh giá. Để vào tay người khác là tiêu tùng. Người ta nói bạn bất tài, xấu xí, dị hợm… Nhưng bạn không sinh ra để làm hài lòng họ, họ không nuôi bạn, không bỏ tiền ra mua sản phẩm của bạn, không tử tế với bạn thì bạn không có nghĩa vụ phải vừa mắt người ta. "Một lời phê bình dù tốt hay xấu thì cũng chỉ nên đến từ những người mà bạn tôn trọng" - (Violet Chachki).

Mình may mắn là trong từng đợt bị bully, được những người mình rất nể trong ngành inbox động viên ủng hộ. Một lời tử tế có thể vực dậy cả một ngày giông bão nên từ một đứa cũng hay đưa ra nhận xét khen chê trên Facebook, mình tự kỉ luật bằng cách nếu không có gì tốt đẹp để nói, mình im miệng luôn. Thấy một sản phẩm đẹp mình không tiếc lời khen, thấy cái gì không vừa mắt thì tự nhủ: Vũ trụ không quay quanh cái rốn của mình.

Về sau này thấy một bạn trở thành tâm bão như mình khi xưa, mình inbox động viên dù hai đứa chưa từng nói chuyện. Việc một người đúng hay sai mình không có quyền quyết định, nhưng mình có thể quyết định tử tế hay không.

Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa! - Ảnh 4.

Thay vì tự hỏi tại sao bầu khí quyển quá độc hại, hãy cố gắng trở thành một mầm cây. Mầm cây chả bao giờ phải nhân danh công lý. Nếu ngày hôm nay của bạn thật tệ vì lời ong tiếng ve, hãy đối xử tốt với chính mình bằng câu thần chú: "Khi bị rắn độc cắn thì phải làm gì?". Nó đã giúp mình, nó sẽ giúp bạn."

Bye Bye Bully (#byebyebully) là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù có là nạn nhân hay là một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.
Góc nhìn từ một người từng nằm giữa tâm bão cyber bully: Đừng chết vì thụ động ăn những gì độc hại người khác đưa! - Ảnh 6.