Teen và chuyện nói dối phụ huynh về kết quả học

Runna cat, Theo 00:01 10/01/2011

Nhiều anh chàng, cô nàng nghĩ ra những cách nói dối, lừa lọc phụ huynh trắng trợn khi kết quá học tập không mấy tốt đẹp!

Sinh viên năm nhất thường... thả rong điểm số? 

Khi đã trở thành sinh viên, đồng nghĩa với việc bạn không phải chịu sự quản thúc gắt gao về giờ giấc, cách học hay kiểm tra như ngày bé. Bạn có thể học theo cách mình thích, hiểu và thực hành bài học vào thực tế cuộc sống theo cách của bạn, không quá gò bó trong môi trường học đường. Điều đó, sẽ giúp những bạn nào có ý thức học tập được phát huy khả năng hết mình, ngược lại, những sinh viên lười học thì có cơ hội... thả rơi kiến thức! 

Thảo Trang (sinh viên trường ĐH Mở) chia sẻ: “Chân ướt chân ráo từ Mỹ Tho lên Sài Gòn học, mình thực sự chưa quen với cuộc sống và cách học ở môi trường mới. Một phần mình cũng lo đi làm thêm và làm quen bạn bè, cuộc sống mới. Thế nên, học kì vừa rồi mình chỉ được xếp loại Trung Bình Khá thôi. Kết quả như vậy, mình chẳng muốn bố mẹ biết tí nào, định giấu vì sợ bố mẹ nghĩ mình không chịu học, mải chơi lại phiền lòng!” 

Thực tế, khi vừa thoát khỏi môi trường học đường, rất nhiều sinh viên năm nhất quá mải mê với việc riêng, làm thêm, vui chơi mà quên mất việc học. Thế nên đa phần kết quả học kì đầu của sinh viên năm nhất thường không cao. Mặt khác, một số bạn vì chưa quen cách thức học không quản thúc, những câu hỏi hay bài kiểm tra quá bất ngờ, và cuộc sống mới nên điểm số thường ì ạch. Vì thế, khi có kết quả HK1, chẳng ai muốn phụ huynh biết tình trạng học của mình. 


Ảnh minh họa.

Đến những cách giấu diếm xấu xí 

Một số trường ĐH thường gửi bảng điểm về địa chỉ sinh viên cư trú, địa chỉ gia đình, hay phát trực tiếp cho sinh viên. Hầu hết, chẳng trường ĐH nào áp dụng cách thức như phổ thông kiểu... họp phụ huynh phát liền tay. Nguyên nhân có nhiều sinh viên gia đình ở xa, mặt khác vì... đã lớn, tôn trọng quyền tự do các bạn nên chẳng ai làm vậy. Thế nhưng, nó lại trở thành điểm yếu cho một số không nhỏ sinh viên khi họ tìm cách che đậy, để phụ huynh không biết về nửa năm “sa đà” của mình. 

Phạm Minh (sinh viên  Đại học Y Dược) chia sẻ: “Tớ từ bé là niềm tự hào của bố mẹ. Chưa bao giờ tớ lọt khỏi top 10 của lớp. Thế mà khi vào Đại học, lại tụt đến hạng 40, đứng gần giữa lớp. Học lực cũng chỉ đạt trung bình khá. Thế nên tớ đành giấu bố mẹ. Trường phát phiếu điểm về, tớ phải năn nỉ thằng em ở nhà “thủ tiêu”. Mấy thằng bạn cùng lớp tớ cũng bị rơi vào hoàn cảnh giống tớ. Tụi nó còn làm bảng điểm giả, hay nói dối thẳng thừng về kết quả học”. 

Bố mẹ nào cho con đi học cũng chỉ biết trông chờ vào sự trưởng thành của con cái. Tất cả những thông tin phụ huynh nhận được hầu hết đều do sinh viên chia sẻ. Gia đình nào “làm căng” thì sinh viên còn làm bảng điểm giả về cho bố mẹ xem. Số khác cũng tìm cách chống chế rằng không phát điểm về nhà hay cuối học kì mới có kết quả để lảng tránh những câu hỏi kết quả của người nhà. 

Liệu có giấu được mãi? 

Lo lắng bố mẹ thất vọng về mình, nhiều bạn chạy chọt để làm bảng điểm giả, xin điểm, nói dối phụ huynh. Ai cũng nghĩ đó là phương thức tạm thời để phụ huynh “vui” và để “qua lần này”. Thế nhưng giấu mãi thành quen, nhiều bạn cứ thế lấp liếm điểm số cho cả những lần sau và những việc khác. Đến khi cha mẹ “sờ gáy” thì còn thất vọng về con mình hơn, bởi học hành sa sút đã đành mà nhân cách cũng sa sút theo trình độ. 

Đồng ý là năm nhất đôi khi bạn “lỡ đà” và kết quả học không mấy tốt, thế nhưng việc chia sẻ trực tiếp và cho phụ huynh biết được tình hình của mình vẫn tốt hơn là giấu diếm. Nếu thực sự phụ huynh muốn biết thì chẳng khó khi gọi lên trường xin bảng điểm hay nhờ người hỏi giúp. Thêm nữa là cái kim trong bọc cũng có lúc lòi ra, liệu sẽ giấu diếm được đến bao giờ? 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày