Loạt điểm khác của Trạng Tí so với Thần Đồng Đất Việt: Sự sáng tạo vừa vặn, đầy tính điện ảnh

Dạ Nguyệt, Theo Trí Thức Trẻ 21:03 03/02/2022

So với nguyên tác truyện tranh, Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có một số sự thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn với khán giả.

Thần Đồng Đất Việt là bộ truyện tranh gắn liền với nhiều thế hệ độc giả trẻ của Việt Nam. Chuyến phiêu lưu của 4 nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo ở làng Phan Thị của họa sĩ Lê Linh mang đến nhiều tiếng cười bởi yếu tố hài hước, mưu mẹo, đồng thời mang đến nhiều bài học sâu sắc. Tuy nhiên, từ truyện lên phim là một hành trình khá dài và đòi hỏi nhiều sự thay đổi nhằm phù hợp hơn với ngôn ngữ điện ảnh.

Nguồn gốc và tính cách của Trạng Tí

Trong truyện tranh, Tí vốn là Văn Tinh Quân được Ngọc Hoàng ra lệnh xuống trần gian giúp đỡ người dân Đại Việt. Cậu bị mất hai chiếc răng cũng là do Ngọc Hoàng đánh gãy vì lúc đó dám trốn tránh trách nhiệm. Mẹ của Tí - cô Hai Hậu - mang thai sau một lần nghỉ ngơi trên tảng đá dù chưa hề có chồng. Từ khi ra đời, cậu bé luôn mang tính cách hiếu thảo, ham học, khiêm tốn và chính trực cũng như sở hữu trí thông minh hơn người.

Loạt điểm khác của Trạng Tí so với Thần Đồng Đất Việt: Sự sáng tạo vừa vặn, đầy tính điện ảnh - Ảnh 1.

Câu chuyện của Tí và cô Hai Hậu được "xào nấu" lại cho phù hợp bối cảnh xưa

Hai chi tiết này cũng xuất hiện trong Trạng Tí Phiêu Lưu Ký nhưng được cải biên chút ít. Cô Hai Hậu (Oanh Kiều) vẫn mang thai và sinh ra Tí trong hoàn cảnh tương tự. Song, câu chuyện Tí (Hữu Khang) là Văn Tinh Quân do cậu kể lại cho bạn bè lại chẳng mấy ai tin. Cậu thường xuyên bị những đứa trẻ khác trong làng trêu chọc, kỳ thị. Đây là sự thay đổi hợp lý khi việc không chồng mà chửa trong xã hội ngày xưa bị xem là tội lỗi tày đình.

Bên cạnh đó, tính cách của Tí trong phim cũng còn bướng bỉnh, cứng đầu và phản kháng lại những lời trêu chọc. Chi tiết khiến nhiều người hâm mộ Thần Đồng Đất Việt có cái nhìn không tốt về phiên bản điện ảnh nhưng lại vô cùng cần thiết cho sự phát triển nhân vật xuyên suốt phim. Ở cuối của Trạng Tí Phiêu Lưu Ký, Tí sẽ học được bài học quan trọng về tình cảm gia đình và trưởng thành như tưởng tượng của độc giả.

Hành trình tìm cha của Tí

Trong truyện tranh, Tí không thắc mắc cha của mình là ai và cũng chẳng bao giờ đi tìm ông. Bởi lẽ, nội dung chủ yếu của Thần Đồng Đất Việt là những mẩu chuyện, tình huống ngắn hài hước và ít khi có sự liên kết. Tác phẩm khó lòng bước lên màn ảnh rộng một cách trọn vẹn. Do đó, việc tạo ra một chuyến phiêu lưu lên chùa Phật Quang tìm thầy Thích Thông Tuệ (NS Trung Dân) cho Tí là một nước đi đúng đắn để mở ra cốt truyện cụ thể cho bộ phim.

Loạt điểm khác của Trạng Tí so với Thần Đồng Đất Việt: Sự sáng tạo vừa vặn, đầy tính điện ảnh - Ảnh 2.

Hành trình tìm cha giúp "Trạng Tí Phiêu Lưu Ký" tạo được nhiều tình tiết hấp dẫn

Nhờ vậy mà Trạng Tí Phiêu Lưu Ký cũng tạo ra được nhiều tình huống kịch tính như giúp một bà chủ tiệm ăn lật tẩy tên cướp, cả nhóm bị cướp bắt để tìm đường vào đền thờ Thần Hổ, màn đào tẩu ngoạn mục của Tí, Sửu (Phan Bảo Tiên), Dần (Vương Hoàng Long), Mẹo (Trần Đức Anh) và Mùi (Anh Thư) cũng như quá trình giải câu đố hấp dẫn.

Nguồn gốc của Mùi và Tị

Phiên bản truyện tranh của Mùi là một cô bé tròn trịa, có nhiều tàn nhang trên mặt. Mùi rất khéo tay, có tài dệt lụa. Cô bé từng là con của một gia đình hạnh phúc nhưng bị trận lũ chia cắt. Sau khi sống được 7 năm với cha mẹ nuôi, Mùi lần lượt và tình cờ tìm lại được cha mẹ ruột của mình. Về sau Mùi sống chung với cả cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi. Trong khi đó, Tị là một chú tiểu hiền lành, tháo vát và trung thực nhưng thường xuyên bị bắt nạt và phải nhờ bạn bè bảo vệ.

Loạt điểm khác của Trạng Tí so với Thần Đồng Đất Việt: Sự sáng tạo vừa vặn, đầy tính điện ảnh - Ảnh 3.

Nguồn gốc của Tị và Mùi có nhiều thay đổi trong phim

Trong Trạng Tí Phiêu Lưu Ký, Mùi vẫn là trẻ mồ côi nhưng được một tên cướp nhận nuôi dưỡng nhằm hóa giải bí ẩn ở đền thờ Thần Hổ. Vì cha nuôi mà ban đầu, cô bé có ý định lừa gạt nhóm bạn nhỏ. Nhưng càng về sau, Mùi càng được cảm hóa và sẽ có vai trò lớn hơn sau này. Trong khi đó, phiên bản điện ảnh của Tị (Hoàng Duy) lại rất giỏi võ công và trở thành người bảo vệ cho Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Sự thay đổi này giúp phim chiêu đãi khán giả nhiều cảnh hành động, chiến đấu mãn nhãn.

Yếu tố kỳ ảo trong phim

Ngoài nguồn gốc Văn Tinh Quân của Tí, yếu tố kỳ ảo hiếm khi xuất hiện trong Thần Đồng Đất Việt. Tuy nhiên, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký lại chứa đựng nhiều câu chuyện màu nhiệm như sự xuất hiện của Thần Hổ, Thưởng Thiện, Phạt Ác hay những viên ngọc bí ẩn trên cổ Tí và ở chùa Phật Quang. Đây là những chi tiết đắt giá giúp bộ phim phô bày phần kỹ xảo đẹp mắt, đồng thời tạo thâm màu sắc luôn cuốn cho câu chuyện nhằm phù hợp hơn với khán giả nhỏ tuổi.

Loạt điểm khác của Trạng Tí so với Thần Đồng Đất Việt: Sự sáng tạo vừa vặn, đầy tính điện ảnh - Ảnh 4.

Yếu tố kỳ ảo giúp phim thêm phần hấp dẫn

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đang chiếu tại các rạp.

Nguồn: Tổng hợp

https://kenh14.vn/loat-diem-khac-cua-trang-ti-so-voi-than-dong-dat-viet-su-sang-tao-vua-van-vua-day-tinh-dien-anh-2022020320561439.chn