Những "luật lạ, lệ nhà" khiến cầu thủ Việt điêu đứng

Lê Thương , Theo Trí Thức Trẻ 19:29 16/11/2015

Ký hợp đồng chuyên nghiệp nhưng lại trả lương cho các cầu thủ theo dạng đào tạo trẻ, đó là lý do rất nhiều cầu thủ trẻ muốn ra đi cũng không được mà ở lại thì bị thiệt thòi vì có thu nhập thấp.

Luật riêng của...bóng đá Việt Nam

Cách đây 2 năm, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF)) bất ngờ đưa vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định các cầu thủ phải ký hợp đồng đào tạo trẻ tới năm 25 tuổi, thay vì 23 tuổi như quy định của FIFA cũng như thông lệ chung của các nền bóng đá chuyên nghiệp khác trên thế giới. 

Điều này rõ ràng bất hợp lý bởi cầu thủ chỉ được xem là cầu thủ trẻ khi dưới 23 tuổi. Quy định của VFF vô hình đã xác nhận những cầu thủ 24, 25 tuổi vẫn là cầu thủ trẻ, nhưng đáng nói là họ chẳng được tham gia bất kỳ giải đấu trẻ nào. 

Dẫu vậy, quy định chỉ có ở Việt Nam ấy, đương nhiên lại được tất cả các CLB tán thành, bởi quy định này người bị thiệt thòi chỉ là các cầu thủ, còn các CLB thì hoàn toàn có lợi. 

hai6 copy-90f58
Quế Ngọc Hải nhận lương đào tào trẻ (chỉ hơn 10 triệu đồng), nhưng khi chuyển nhượng lại theo hợp đồng chuyên nghiệp, các đội bóng khác muốn có Ngọc Hải phải đền bù khoản tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng. 

Các CLB đã dựa vào quy định này để "ép" trả lương thấp cho các cầu thủ trẻ, dù họ là tuyển thủ quốc gia và là trụ cột của đội. Các cầu thủ này không được phép chuyển nhượng vì mức bồi hoàn là rất lớn. 

Điều đáng nói, theo quy định của FIFA, các CLB bắt buộc phải ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ chậm nhất đến năm cầu thủ đó 21 tuổi. Nhưng khi các cầu thủ đủ 21 tuổi, các đội bóng Việt Nam bên cạnh ký hợp đồng chuyên nghiệp thì vẫn có thêm hợp đồng đào tạo trẻ kéo dài đến tận năm cầu thủ này 25 tuổi. 

Đặc biệt, CLB trả lương cho cầu thủ dựa trên bản hợp đồng đào tạo trẻ, nhưng khi cầu thủ này muốn ra đi thì họ lại vận dụng hợp đồng chuyên nghiệp trong đó có điều khoản đền bù hợp đồng với số tiền rất lớn (trong khi nếu áp dụng hợp đồng đào tạo trẻ, các cầu thủ chỉ phải đền bù khoảng từ 30-50 triệu đồng/năm). 

Nói cách khác, các cầu thủ trẻ gần như bị CLB đeo vòng kim cô trên đầu, nếu tiếp tục thi đấu cho đội bóng, họ sẽ phải nhận mức lương rất thấp, không tương xứng với khả năng của mình. Trong khi, nếu ra đi, họ sẽ phải đền bù số tiền rất lớn. 

Các cầu thủ khốn đốn 

Hôm nay, tuyển thủ Thanh Hiền sẽ ngồi lại làm việc với CLB Đồng Tháp về hợp đồng của mình. Thanh Hiền năm nay 22 tuổi đã ký hợp đồng chuyên nghiệp với đội bóng, anh không chỉ là trụ cột của đội mà còn là tuyển thủ quốc gia, nhưng lại nhận mức lương thấp vì được tính theo hợp đồng đào tạo trẻ. Thế nên, cầu thủ muốn được tăng lương, hoặc ra đi. 

Tuy nhiên, phía Đồng Tháp dựa theo hợp đồng chuyên nghiệp yêu cầu Thanh Hiền phải bỏ ra con số lên đến 4,5 tỷ đồng để chuộc thân. Trong khi nếu tính theo hợp đồng đào tạo trẻ, thì Hiền chỉ phải đền bù con số không tới 1 tỷ đồng. 

Trường hợp của Thanh Hiền không phải cá biệt, bởi hầu hết các cầu thủ trẻ Việt Nam lúc này đều rơi vào tình trạng tương tự như thế. 

thanhhien-4fa08
Thanh Hiền muốn ra đi phải ra 4,5 tỷ đồng để chuộc thân 

Quế Ngọc Hải trong hoàn cảnh khó khăn đã được nhiều đội bóng ngỏ ý muốn giúp bằng cách chuyển nhượng. Nhưng dù cho Ngọc Hải vẫn đang nhận mực lương đào tạo trẻ rất thấp ở CLB, thì muốn ra đi, các đội bóng khác phải chồng cho SLNA số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Đấy là con số khiến bất cứ CLB nào cũng phải chùn chân. 

Những cầu thủ giỏi thì bị ép không cho chuyển nhượng nhưng lại trả lương thấp, trong khi đó, những quy định và hợp đồng chồng chéo nhập nhằng đã tạo điều kiện cho một số CLB có thể thanh lý các cầu thủ mà họ không sử dụng một cách không cần lý do. Trường hợp của Đức Linh và Ngọc Điểu của Cần Thơ là một ví dụ khi các cầu thủ đều không vi phạm hợp đồng, nhưng bị đơn phương thanh lý khiến cả 2 bên phải đưa nhau ra tòa. 

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có hiệp hội bảo vệ các cầu thủ, trong khi đa phần các quy định và luật lệ được đưa ra có lợi cho các CLB. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày