Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc

Hạnh Hạnh, Theo Helino 13:36 10/06/2018

Những cơn buồn nôn có thể đang ngầm cảnh báo cho bạn biết về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Có rất nhiều nguyên nhân phổ biến và đơn giản dẫn đến các cơn buồn nôn như say tàu xe, mang thai, dị ứng thuốc… Tuy nhiên, có một vài tác nhân nguy hiểm tiềm ẩn khác có thể gây nên tình trạng này cần được bạn theo dõi kỹ lưỡng và khám bác sĩ nếu nghi ngờ mức độ nghiêm trọng của nó. Dưới đây là những vấn đề sức khỏe bạn có thể phát hiện thông qua các cơn buồn nôn khó chịu.

Căng thẳng, lo âu quá mức

Buồn nôn có thể là một triệu chứng phổ biến của chứng căng thẳng, lo âu kéo dài. Bởi stress có thể dẫn đến rối loạn hoạt động của hệ thần kinh, khiến bạn nảy sinh ảo giác muốn nôn và chỉ có như vậy bạn mới thấy thoải mái. Ngoài ra, chứng căng thẳng, lo âu quá mức còn gây ra tình trạng mệt mỏi, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Cơ thể bạn sẽ xuất hiện hiện tượng bài xích đồ ăn khi bạn dùng bữa. Hệ quả là dạ dày của bạn sẽ quặn lên kèm theo cảm giác buồn nôn kéo dài suốt cả ngày.

Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 1.

Tiểu đường loại 1

Cảm giác buồn nôn có thể khiến bạn nhầm lẫn thành các chứng bệnh liên quan đến dạ dày mà không nghĩ đó là triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1. Đây là chứng bệnh xảy ra khi các tế bào bị đói năng lượng (không có đủ lượng đường chúng cần vì cơ thể không tạo ra đủ insulin), chúng bắt đầu "điên cuồng" đốt cháy chất béo để có năng lượng hoạt động, dẫn tới sự gia tăng nồng độ axít trong máu và các mô khác của cơ thể, làm giảm PH máu xuống dưới mức bình thường. Dấu hiệu thường thấy của bệnh là khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn và nôn mửa nên bạn cần phải cẩn thận khi phát hiện ra triệu chứng này.

Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 2.

Suy thượng thận

Buồn nôn cũng là một tín hiệu ngầm báo rằng, rất có thể bạn đã bị suy thượng thận. Chứng rối loạn này được hiểu là tuyến thượng thận, nằm ngay phía trên thận, không thể sản xuất đủ lượng hormone cần thiết. Một nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy thượng thận là bệnh Addison - một bệnh tự miễn làm tổn thương tuyến thượng thận và hạn chế sản xuất cortisol, một hormone quan trọng cho sự tăng trưởng, chuyển hóa và các chức năng khác trong cơ thể.

Làm cách nào để biết liệu tuyến thượng thận của bạn đang gặp trục trặc? Câu trả lời là nếu thấy xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, giảm cân không rõ nguyên nhân, tụt huyết áp thì hãy đi gặp bác sĩ ngay bạn nhé.

Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 3.

Bệnh tim

Nghe có vẻ không liên quan nhưng thực sự cảm giác buồn nôn có mối quan hệ với các chứng bệnh về tim. Khi bạn cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, ra nhiều mồ hôi, nhịp tim đập chậm thì hãy nghi ngờ và đi khám bác sĩ ngay vì nó có thể do hoại tử tim cấp tính gây ra.

Ngoài ra, một chứng bệnh khác cũng bao gồm dấu hiệu là buồn nôn, đó là đau tim. Những người bị đau tim đôi khi gặp cảm giác như trào ngược axit dạ dày, buồn nôn và thầm nghĩ đó chỉ là hệ quả do dạ dày hoạt động kém hiệu quả. Thế nhưng, nếu nó kèm theo cơn đau bụng và tức ngực, hãy lập tức đi kiểm tra sức khỏe tim mạch của mình.

Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 4.

Bệnh về túi mật

Bạn có thể phát hiện ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến túi mật thông qua cảm giác buồn nôn. Các bệnh nhân mắc bệnh về túi mật thường cảm giác đau thắt hoặc đau âm ỉ tại vùng bụng bên phải kèm triệu chứng buồn nôn. Nguyên nhân là vì các hạt sỏi cứng nằm trong túi mật đã chặn ống vận chuyển mang dịch mật hỗ trợ gan và hệ tiêu hóa hoạt động khiến chúng bị ứ đọng lại. Thậm chí, nếu các cơn buồn nôn xuất hiện với tần suất dày đặc với mức độ nặng hơn, bạn hãy cẩn thận vì đó có thể là dấu hiệu của một khối u nằm trong túi mật.

Thường xuyên cảm thấy buồn nôn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp trục trặc - Ảnh 5.

Nguồn: Health