TS. BS Đào Thị Yến Phi: 6 bước ứng phó với bệnh dịch trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19

Anh Minh, Theo Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông 21:00 11/03/2020

Mấu chốt quan trọng trong giai đoạn 2 chống dịch COVID-19 là “ai trong cộng đồng cũng có thể là người mang virus kể cả chính mình và người thân của mình”. Đó là chia sẻ của TS. BS Đào Thị Yến Phi mới đây được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona.

Theo TS. BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), công cuộc phòng và chống dịch COVID-19 đã chính thức bước một bước sâu hơn vào vòng nguy hiểm, do đó, mỗi người dân cần phải có những hành động đúng đắn để chung tay đánh bại loại "giặc" này. Thông tin mới đây được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona.

Trong một cuộc đua đi bộ chậm, người tham dự cần phải dừng lại ở một bước đi lâu nhất có thể. Khi không thể giữ chân ở bước cũ nữa, sẽ phải bước sang một bước mới. Và mục tiêu tiếp theo lại là giữ thời gian ở bước mới này lâu nhất có thể. Cuộc chiến chống dịch bệnh cũng vậy. Cùng với sự xuất hiện của các ca bệnh mới 17-32, Việt Nam đã chính thức bước một bước mới sâu hơn vào vòng nguy cơ.

TS. BS Đào Thị Yến Phi: 6 bước ứng phó với bệnh dịch trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 2.

Ở giai đoạn 2 của quá trình chống dịch, sẽ có những điều cần làm thêm trong quy trình ở mỗi bộ phận tham gia. Mấu chốt quan trọng trong giai đoạn 2 này là "ai trong cộng đồng cũng có thể là người mang virus kể cả chính mình và người thân của mình". Vì vậy, ngoài việc tiếp tục thực hiện tất cả mọi việc liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan… y hệt như giai đoạn 1, cần thực hiện thêm các việc sau đây:

1. Ghi nhật ký về quá trình tiếp xúc trong ngày của mình

Điều này sở dĩ nhằm để chuẩn bị cho tình huống chính mình không may trở thành đối tượng nguy cơ. Lúc đó, các thông tin tiếp xúc mà bạn cung cấp cho cơ quan chức năng càng nhanh chóng và chính xác thì hiệu quả ngăn chặn lây lan càng cao.

2. Tự xác định mình và những đối tượng mình có tiếp xúc đang ở vị trí nào trong sơ đồ cách ly sau đây và làm đúng quy trình được khuyến cáo

- F0 (người đã được xác định nhiễm virus): điều trị cách ly tại bệnh viện và phải tự báo cho F1 về tình trạng của mình.

- F1 (người tiếp xúc với F0): chuẩn bị đồ đạc để cách ly tại bệnh viện, báo cho F2 về tình trạng của mình.

- F2 (người tiếp xúc với F1): chuẩn bị đồ đạc cách ly tại khu cách ly, tự báo cho F3 về tình trạng của mình.

- F3 (người tiếp xúc với F2): cách ly tại nhà, tự báo cho F4 về tình trạng của mình.

- F4, F5… : tự cách ly, theo dõi tại nhà.

Trong tất cả các tình huống trên đây, có 3 việc cần làm ngay lập tức cho mọi F là: ngồi tại nhà, đeo khẩu trang liên tục, và gọi điện báo cho cơ sở y tế về tình trạng của mình (hotline 1900 3228)

TS. BS Đào Thị Yến Phi: 6 bước ứng phó với bệnh dịch trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 6.

3. Báo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện

- Một chùm ca bệnh ho, sốt, cảm cúm có liên quan với nhau: ví dụ cùng dự một đám tiệc, vài người trong cùng gia đình, một vài ca trong một xóm…

- Người ở các vùng dịch về xuất hiện tại địa phương, không được cách ly, quản lý y tế.

4. Ở yên một chỗ, tốt nhất là tại nhà mình

Việc cắt đứt các đường lây lan trong 2 tuần liên tục sẽ giúp khoanh vùng các ổ dịch dễ dàng hơn khi một người mang virus biểu hiện triệu chứng. Đừng phát tán virus cho bạn bè, người thân của mình một cách vô tình khi về quê, đi sang làng khác, xã khác, tỉnh thành khác…

5. Chú trọng chăm sóc và hạn chế tiếp xúc cho những người có nguy cơ cao

Người lớn tuổi, người có bệnh nền… Hướng dẫn hoặc hỗ trợ những người này trong vệ sinh cá nhân, bố trí chỗ nằm/ngồi có nắng có gió, pha nước muối súc miệng, nhắc uống nước mỗi giờ…

6. Bố trí khu vực vệ sinh tại nhà

Nên bố trí khu vực vệ sinh tại nhà sao cho người phải đi ra ngoài về có thể rửa tay, thay quần áo, bỏ khẩu trang… trước khi tiếp xúc với người thân trong nhà. Mang găng tay cao su hoặc rửa tay kĩ ngay sau khi dọn dẹp, giặt giũ các đồ đạc mang từ ngoài vào nhà.

Chống dịch như chống giặc, tình thế tới đâu thì bày trận dàn quân tới đó, cùng tắc biến, biến tắc thông, chẳng có đường nào là cùng cả, huống chi các kịch bản chống dịch đã được tập luyện và chuẩn bị trước. Mỗi người góp một bàn tay để mọi người đều an toàn và khoẻ mạnh nhé.

Nguồn: Lá chắn Virus corona

TS. BS Đào Thị Yến Phi: 6 bước ứng phó với bệnh dịch trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 8.