Cận cảnh sán "được lấy ra từ dạ dày": Xem xong nhiều người rùng mình, thề không ăn đồ sống nữa

Ngọc Minh, Theo Đời sống và Pháp luật 17:04 13/04/2024

Đoạn clip quay cảnh 2 con sán ngoe nguẩy đang được lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người dùng mạng rùng mình.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh 2 sinh vật ngoe nguẩy trên băng gạc y tế. Theo thông tin chia sẻ, đây là 2 con sán lá được lấy ra từ dạ dày của một bệnh nhân.

Khi xem video, nhiều người kinh sợ và thề không ăn đồ tái, sống nữa.

1 đoạn clip được cho là sán được lấy ra từ dạ dày của một bệnh nhân.

Khi xem video này, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghi ngờ hai sinh vật trong clip có thể là sán lá ruột. Trước đây, bác sĩ cũng đã từng gặp bệnh nhân tưởng bị bệnh dạ dày, khi đi nội soi đã lấy được 4 con sán lá.

Theo chuyên gia, mỗi loài sán lá sẽ ký sinh trên cơ thể 1 số loại ốc nhất định, trong quá trình sinh trưởng có thể bám vào các loài thực vật thủy sinh, cá thuộc họ Cyprinidae, tôm... Các loài sán là thường gặp là sán lá lớn ở ruột, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi. Nếu ăn phải ấu trùng sán lá, ấu trùng sẽ vào cơ thể, sinh sôi trở thành sán trưởng thành ký sinh trong cơ thể.

Bác sĩ Thiệu cho biết vật chủ chính của sán lá là động vật như trâu, bò, lợn, dê, cừu... và con người. Con người khi ăn các rau thủy sinh hoặc uống nước lã nhiễm nang ấu trùng sẽ khiến nang ấu trùng vào đến dạ dày. Tại đây, dịch vị đường tiêu hóa tiêu hủy vách nang, ấu trùng thoát khỏi nang phát triển thành sán non phát triển ở tá tràng và tiếp tục di chuyển và có thể xuyên qua được vách ruột, xuyên qua bao gan, mô gan và tới ống mật chủ và thường kí sinh ở đó đến giai đoạn trưởng thành.

Với trường hợp sán non di chuyển không tới gan mà lạc chỗ có thể di chuyển hoặc đi theo hệ mạch máu tới các cơ quan khác.

Sán lá ruột thì đơn giản hơn, ký sinh tại tá tràng và phát triển luôn ở trong tá tràng hoặc ruột non.

Triệu chứng nhiễm sán lá ruột

Theo bác sĩ Thiệu, người bị nhiễm sán lá ruột sẽ có triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và có thể phù nề (bụng chướng).

Để phân biệt sán lá gan và sán lá ruột, chúng ta dựa vào đặc điểm quan sát hình thể bên ngoài. Sán lá gan có phần đầu nhỏ, thân có phần chóp như cổ - vai. Sán lá ruột thì phần đầu đến thân thuôn đều hơn.

Cận cảnh sán được lấy ra từ dạ dày: Xem xong nhiều người rùng mình, thề không ăn đồ sống nữa - Ảnh 2.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu.

Theo Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán lá ruột tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Á và châu Á (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ...). Ở Việt Nam, bệnh sán lá ruột chủ yếu phát hiện ở lợn, tỷ lệ nhiễm ở người rất thấp; những vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Khi nhiễm sán lá ruột, ngoài những tổn thương tại ruột là nơi ký sinh của sán, những độc tố tiết ra từ sán sẽ gây rối loạn chung, có thể làm phù nề toàn thân, tràn dịch ngoại tâm mạc, biến đổi tổ chức ở lách. Bệnh nhân thường bị thiếu máu, số lượng hồng cầu giảm, huyết cầu tố giảm, bạch cầu toan tính tăng lên.

Để phòng nhiễm sán, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi, không ăn sống các loại rau thủy sinh. Lợn nghi ngờ nhiễm sán thì tuyệt đối không nên ăn. Người nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày