Dạ dày luôn khỏe nếu bạn biết uống 4 loại nước, ăn thêm “3 vàng - 2 trắng” này

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 00:00 21/10/2023

Cách đơn giản nhưng lại hiệu quả nhất để chăm sóc dạ dày là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Dạ dày còn được gọi là bao tử có vai trò vô cùng quan trọng trong bộ máy tiêu hóa của con người. Đây là bộ phận phình to nhất của ống tiêu hóa có cấu tạo đặc biệt với 2 nhiệm vụ chính bao gồm nghiền nát thức ăn và chuyển hóa thức ăn bằng cách tiết ra enzyme tiêu hóa trong dịch vị.

Vì vậy, chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp tới việc duy trì chức năng và nguy cơ mắc bệnh của dạ dày. Nếu muốn dạ dày luôn khỏe, ngoài việc hạn chế các thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ… thì cũng có thể tận dụng các thực phẩm hỗ trợ nuôi dưỡng, bảo vệ cơ quan này.

4 loại nước nên uống để bảo vệ, cải thiện dạ dày

Đương nhiên, để dạ dày thực hiện đúng chức năng của nó thì việc uống đủ nước là vô cùng quan trọng. Nhưng uống nước gì, uống vào thời điểm nào để dạ dày khỏe nhất thì không phải ai cũng biết. Sau đây là 4 loại nước giúp nuôi dưỡng, cải thiện các khó chịu ở dạ dày mà bạn nên tham khảo:

Dạ dày luôn khỏe nếu bạn biết uống 4 loại nước, ăn thêm “3 vàng - 2 trắng” này - Ảnh 1.

Thời điểm uống nước mật ong tốt nhất cho dạ dày là buổi sáng (Ảnh minh họa)

- Nước mật ong: Loại nước này nên được uống vào buổi sáng sớm, sau khi thức dậy là có tác dụng bồi bổ dạ dày tốt nhất. Nó giúp làm sạch dạ dày, đồng thời giúp cơ thể đào thải độc tố, thúc đẩy nhu động ruột, giúp dễ đại tiện hơn. Đặc biệt, nó còn tạo ra lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày và có tác dụng làm dịu, giảm đau với những người dạ dày yếu hay mắc bệnh dạ dày. Nhưng nhớ không nên pha quá nhiều mật ong để kiểm soát lượng đường và chỉ nên dùng nước ấm dưới 45 độ C khi pha.

- Nước chanh: Bạn có thể uống nước chanh vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng không nên uống khi đói bụng hay quá chua sẽ phản tác dụng với dạ dày. Tốt nhất nên dùng nước ấm và hạn chế đường, cho một chút vỏ chanh vào nước khi uống. Nước chanh rất hiệu quả trong cải thiện trướng bụng, đầy hơi, trào ngược dạ dày, tăng cường tiêu hóa và giúp nhuận tràng khi táo bón. Vitamin C trong chanh cũng khá tác dụng trong việc tăng chất chống oxy hóa, kháng viêm để bảo vệ niêm mạc dạ dày.

- Trà lúa mạch: Thức uống giàu amylase này có thể tăng tốc nhu động ruột và thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn. Uống trà lúa mạch thường xuyên sẽ giúp cải thiện khả năng bài tiết pepsin và axit dạ dày, làm giảm các triệu chứng như đầy hơi và ợ hơi. Trà lúa mạch cũng rất giàu chất xơ, có thể làm giảm triệu chứng táo bón, tăng thải độc dạ dày, nó cũng tăng cảm giác ngon miệng. Tuy nhiên, bệnh nhân bị loét dạ dày và tiết axit dạ dày quá mức không nên uống loại nước này.

Dạ dày luôn khỏe nếu bạn biết uống 4 loại nước, ăn thêm “3 vàng - 2 trắng” này - Ảnh 2.

Chỉ nên uống nước ấm ở nhiệt độ dưới 45 độ C để tốt cho dạ dày (Ảnh minh họa)

- Nước ấm: Loại nước tốt cho dạ dày nhưng cách làm đơn giản, tiết kiệm chi phí nhất chính là nước lọc ấm. Bạn có thể uống nó vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nhưng có 2 “thời điểm vàng” uống nước ấm tốt cho sức khỏe dạ dày là sáng sớm vừa thức giấc và 30 phút - 1 giờ trước khi đi ngủ ban đêm. Bởi vì nó giúp tuần hoàn trơn tru hơn để tăng cường lượng máu tới dạ dày, đồng thời hydrat hóa ruột kết, đẩy nhanh chuyển hóa thức ăn. Ngoài ra còn giúp làm dịu niêm mạc dạ dày, tăng cường thải độc và chống táo bón.

Ăn thêm “3 vàng - 2 trắng” tốt cho dạ dày

Bên cạnh nước uống, cũng có rất nhiều thực phẩm tốt cho dạ dày, cải thiện chức năng và hỗ trợ điều trị một số bệnh dạ dày. Trong đó có 3 thực phẩm màu vàng bạn nên ăn nhiều hơn:

- Bí ngô: Bí ngô hay còn gọi là bí đỏ rất giàu pectin. Pectin có tác dụng rất tốt trong việc phục hồi niêm mạc dạ dày nên trở thành thực phẩm rất thích hợp để nuôi dưỡng dạ dày. Hơn nữa, bí ngô còn có thể thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện khả năng tiêu hóa của hệ tiêu hóa.

- Cà rốt: Cà rốt được coi là loại thực phẩm hiệu quả trong nuôi dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày. Bởi trong cà rốt chứa nhiều vitamin A giúp tăng cường chức năng đường ruột và dạ dày, bảo vệ mắt và tăng cường miễn dịch đối với nhiều bệnh khác. Nó cũng giàu chất xơ, tăng cường tiêu hóa, chống và trị tiêu chảy rất tốt.

- Hạt kê: Hạt kê có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên rất thích hợp cho người muốn nuôi dưỡng dạ dày, đẩy lùi đau dạ dày. Nó cũng giàu chất xơ thúc đẩy nhu động ruột, chứa các chất phục hồi niêm mạc dạ dày. Món ăn tốt nhất cho dạ dày từ kê chính là cháo kê. Người tỳ vị hư kém ăn cháo kê món này sẽ giảm thiểu được các triệu chứng buồn nôn, đầy bụng, các cơn đau bụng do dạ dày gây ra.

Để dạ dày khỏe hơn, cũng đừng quên thêm 2 loại rau củ màu trắng rất quen thuộc này vào thực đơn:

- Súp lơ trắng: Đây là một thực phẩm rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. Với hàm lượng chất xơ không hề thấp, súp lơ trắng giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, nhu động mạnh mẽ hơn nên có thể chống lại các bệnh do sự ứ trệ đường tiêu hóa gây ra. Đặc biệt, súp lơ trắng có chứa các chất glucosinolate, glucoraphanin và sulforaphane có khả năng chống lại vi khuẩn H. pylori, do đó nó rất hữu hiệu trong việc chống lại bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Chất isothiocyanate có trong súp lơ trắng còn giúp chống lại nguy cơ bị bệnh ác tính của dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Dạ dày luôn khỏe nếu bạn biết uống 4 loại nước, ăn thêm “3 vàng - 2 trắng” này - Ảnh 3.

Cách chế biến súp lơ trắng tốt nhất cho sức khỏe là luộc hoặc hấp (Ảnh minh họa)

- Củ cải trắng: Loại củ này ví như nhân sâm trắng với sức khỏe và nó cũng là thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa. Củ cải có khả năng hấp thụ tinh bột trong thực phẩm, có thể hóa giải thức ăn tích trữ trong dạ dày, có tác dụng chữa khó tiêu, kích thích tiêu hóa, phòng và điều trị viêm loét dạ dày. Các chất dinh dưỡng cùng chất xơ dồi dào trong củ cải đường giúp thúc đẩy và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, vitamin C trong củ cải trắng giúp bài trừ chất độc, ngăn ngừa viêm loét và ung thư dạ dày.

Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, Kknews